[AFD] Chương 1. Tổng quan về Chiêm tinh học: Tử vi sơ lược (p.1)



CHIÊM TINH HỌC CHO NGƯỜI MỚI NHẬP MÔN – Tác giả Rae Orion 

CatFox dịch.

Phần Một: Định vị bạn trong vũ trụ bao la

Chương 1. Tổng quan về Chiêm tinh học: Tử vi sơ lược 

Trong chương này
Hình dung hệ mặt trời
Tản mạn về cung hoàng đạo
Phân loại các cung bởi đối cực, hình thái và nguyên tố
Nhìn ngắm mặt trời, mặt trăng và các hành tinh
Giới thiệu về hành tinh cai quản của các cung
Khám phá Cung Mọc
Du ngoạn các nhà

Theo một số tài liệu xưa, Isaac Newton – thiên tài của mọi thời đại có thể đã nghiên cứu về thuật chiêm tinh. Newton có một bộ óc phức tạp và ham hiểu biết. Bên cạnh việc phát minh ra phép vi phân và tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn, ông còn ham mê thuật giả kim (cuộc truy tìm phương pháp biến mọi kim loại khác thành vàng), Kinh thánh, và Chiêm tinh học. Khi bạn của ông Edmud Halley (có một sao chổi được đặt theo tên ông này) tỏ ý không tin vào Chiêm tinh, Newton, một Ma Kết bảo thủ đã đáp trả lại ngay lập tức, “Thưa ngài, tôi mới là người nghiên cứu về vấn đề này. Ngài thì không.” Hay đó là cách mà câu truyện tiếp diễn.

Như mọi nhà chiêm tinh khác, tôi nghĩ rằng câu truyện trên là có thật. Sau rốt, Chiêm tinh học đã và đang trở nên lỗi thời, nhưng không bao giờ thiếu môn đồ. Nostradamus là nhà chiêm tinh của Hoàng hậu Catherine de Medici, Nữ hoàng Elizabeth I luôn hỏi ý kiến John Dee và các nhà chiêm tinh khác đã đưa ra lời khuyên cho Napoleon, George Washington, J. P. Morgan, và Ronald Reagan. Nhưng ở mọi thời điểm, không ai có thể đưa ra một lời giải thích thỏa đáng là tại sao chiêm tinh học lại chính xác. Qua nhiều thế kỷ, các đề xuất từ nghệ thuật cổ đại cho rằng trọng lực chính là đầu máy của chiêm tinh học… hay điện tử học… hay “phép tương ứng siêu hình”. Carl G. Jung tóm lược lại, “Chúng ta sinh ra tại một thời điểm nhất định, một địa điểm nhất định. Như rượu của những năm nho được mùa, chúng ta có những phẩm chất của năm và mùa mà chúng ta sinh ra.”

Tôi không biết tại sao Chiêm tinh học lại chính xác, không hơn những gì mà Isaac biết. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng Chiêm tinh thực sự chính xác. Hình thái của các hành tinh ở thời điểm bạn ra đời là Biểu đồ khai sinh hay tử vi của bạn – miêu tả thiên hướng, thử thách, và tiềm năng của bạn. Nó không dự đoán số phận của bạn, dù nó có làm số phận vài người dễ dàng nắm bắt hơn nhiều người khác. Cụ thể số phận bạn ra sao, tôi cho là, phụ thuộc vào chính bản thân bạn.

NHÌN LÊN BẦU TRỜI ĐẦY SAO

Hãy tưởng tượng hệ mặt trời của chúng ta là một bức tranh. Chính giữa bức tranh đó là Mặt trời, xoay xung quanh là các hành tinh và vệ tinh với quỹ đạo cố định lặp đi lặp lại.

Ý tưởng mang chúng ta trở về thời ấu thơ này sẽ làm các nhà chiêm tinh học cổ đại ngạc nhiên. Họ luôn cho rằng Mặt trời, Mặt trăng và các hành tinh khác xoay quanh Trái Đất. Mặt trời thực sự trông giống như quay quanh Trái Đất vì nó có vẻ như mọc ở phía Đông và lặn ở phía Tây. Và nó luôn luôn nằm trong giới hạn của một đường không gian bao quanh Trái đất giống như một vòng khổng lồ. Dải bầu trời đó được gọi là Đường hoàng đạo.

Dưới đây là 3 yếu tố quan trọng nhất về Đường hoàng đạo:
Đường hoàng đạo thể hiện đường biểu kiến của Mặt Trời xung quanh Trái Đất – gọi là biểu kiến vì sự thật, Mặt Trời không quay quanh Trái Đất. Chỉ là trông giống như vậy thôi.
Như một vòng tròn, Đường hoàng đạo được chia thành 360 độ – mỗi độ lần lượt được chia thành 60 phút. 30 độ đầu tiên là Bạch Dương, 30 độ tiếp theo là Kim Ngưu và cứ tiếp tục như vậy.
Các ngôi sao rải rác như bụi dọc theo Đường hoàng đạo tạo nên các chòm sao của Cung hoàng đạo.

Tiếp đây là phần dễ gây nhầm lẫn nhất: Các cung hoàng đạo và các chòm sao cùng tên nhưng không phải là một. Các cung hoàng đạo là các phần của Đường hoàng đạo, mỗi cung chính xác là 1/12 chiều dài đường hoàng đạo – 30 độ. Các chòm sao không có gì giống với các cung hoàng đạo. Tôi sẽ giải thích vấn đề đáng buồn này ở “Các cung hoàng đạo, các chòm sao và tuế sai của các phân điểm.”

Các cung hoàng đạo, các chòm sao và tuế sai của các phân điểm

Hàng trăm năm trước đây, khi người Babylon đang thiết lập các nguyên tắc của thuật chiêm tinh, các chòm sao và các cung hoàng đạo ở trên một đường thẳng. Vào lúc Xuân phân (ngày đầu tiên của mùa xuân), Mặt Trời ở chòm sao Bạch Dương: Đó là, nếu bạn có thể thấy Mặt Trời và các ngôi sao cùng một lúc, bạn sẽ thấy các ngôi sao trong chòm Bạch dương bao quanh Mặt Trời. Trong những “ngày tươi đẹp” đó, các cung hoàng đạo và các chòm sao trùng khớp với nhau.

Chao ôi, nhưng giờ không thế nữa. Ngày nay vào ngày Xuân phân, Mặt Trời ở giữa chòm Song Ngư – một tình thế rất khác biệt.

Nguyên nhân cho sự chuyển giao này là Trái Đất nghiêng so với trục, vạch ra một vòng tròn trong không gian như trục của con quay. Vì trục Trái Đất thay đổi vị trí, các chòm sao dường như lùi lại phía sau. Sự chuyển dịch này là rất ít trong mỗi đời người, nhưng qua nhiều thế hệ, nó cứ cộng dồn lên. Kết quả là, mỗi phân điểm đến nhanh hơn một chút so với trước kia trong Hoàng đạo. Quá trình này gọi là tuế sai phân điểm. Điều đó giải thích vì sao điểm xuân phân trước kia diễn ra ở chòm Bạch Dương nhưng giờ lại ở Song Ngư.

Khi phân điểm chuyển dịch thêm về phía sau, đến chòm Bảo Bình – Thời đại của Bảo bình chính thức bắt đầu. Các nhà chiêm tinh có ý kiến khác nhau về thời điểm này. Một số tin chắc nó đang diễn ra ở hiện tại. Số khác lại tin rằng phải vài thập kỷ hay thế kỷ nữa. Nhưng cuối cùng, chu kỳ sẽ lại bắt đầu. Khoảng năm 23800, điểm Xuân phân sẽ quay lại chòm Bạch Dương, và các nhà chiêm tinh sẽ có thể ngừng toàn bộ những giải thích này. Trong lúc ấy, các chòm sao Hoàng đạo và các cung Hoàng đạo vẫn không là một.

Những người hoài nghi công kích chiêm tinh học – vì vài lý do, những linh hồn thận trọng này có thể có thái độ thù địch đến ngỡ ngàng – thường chỉ ra vị trí đang thay đổi của các chòm sao và tuế sai phân điểm như bằng chứng cho thấy chiêm tinh là không có thật. Nhưng sự thật là các nhà chiêm tinh đã ý thức được hiện tượng này. Họ coi các chòm sao như những biển chỉ đường và nhiều hơn thế một chút. Vấn đề ở đây là phân chia cung hoàng đạo. Dù cho có rực rỡ thế nào, các ngôi sao thật ra chẳng liên quan gì đến cung hoàng đạo của bạn.

XÁC ĐỊNH CÁC CUNG HOÀNG ĐẠO

Cung mà Mặt Trời chiếm giữ vào thời điểm bạn ra đời là yếu tố chiêm tinh cơ bản nhất về bạn. Nó cũng xác định bản tính, động lực, nhu cầu và hướng đi trong cuộc đời bạn. Nhưng Mặt Trời không phải là hành tinh duy nhất tác động lên bạn. (Đối với các mục đích của chiêm tinh, cả hai thiên thể – Mặt Trời và Mặt Trăng – đều gọi là hành tinh. Nhưng làm ơn đừng bao giờ sử dụng thuật ngữ này khi nói chuyện với các nhà thiên văn học.) Thủy Tinh, Kim Tinh, Hỏa Tinh, Mộc Tinh, Thổ, Tinh, Thiên Vương Tinh, Hải Vương Tinh, và Diêm Vương Tinh – không tính Mặt Trăng – tượng trưng cho các loại năng lượng khác nhau thể hiện đặc điểm của các hành tinh trong các cung mà hành tinh chiếm giữ.

Tuy nhiên, nói theo cách của các nhà chiêm tinh, cung Mặt Trời là yếu tố cốt yếu nhất. Để quyết định cung của bạn, sử dụng bảng 1-1. Hãy nhớ rằng các ngày thay đổi theo năm. Sau rốt, dù vòng tròn có 360 độ và mỗi cung chính xác 30 độ, vẫn có một sự thật phiền phức là một năm có 365 ngày – không tính năm nhuận. Và kết quả là, các cung không chia thành các ngày gọn gàng như bạn mong muốn. Nếu bạn sinh vào ngày đầu tiên hay cuối cùng của một cung, bạn có thể kiểm tra cung hoàng đạo của mình bằng cách sử dụng các bảng trong phụ lục, Internet, hay hỏi các nhà chiêm tinh.

Bảng 1-1 Cung Mặt trời



TÌM HIỂU CÁC CUNG HOÀNG ĐẠO

Như bất kỳ một hệ thống hoàn hảo nào, chiêm tinh phân loại và giải thích các mảng cơ bản theo một số cách. Cho những người nhập môn, mỗi cung được xác định bằng một cực (tích cực hay tiêu cực), một phẩm chất hay hình thái (hình thức diễn đạt) và một nguyên tố (giúp miêu tả tính chất cơ bản).

ĐỐI CỰC: CHIA HOÀNG ĐẠO THÀNH HAI PHẦN

Bạn có thể thấy đối cực của mỗi cung chia vòng Hoàng đạo ra làm đôi. Bắt đầu với Bạch dương, 6 cung tích cực hay mang tính nam xem kẽ với 6 cung tiêu cực hay mang tính nữ. Tôi lấy làm tiếc phải nói rằng, ngôn ngữ theo giới là truyền thống. Nhiều nhà chiêm tinh sử dụng thuật ngữ âm dương để thay thế. Gọi chúng theo cách mà bạn muốn, ý nghĩa như sau:
Các cung tích cực (dương) thường hướng ngoại, khách quan và quyết đoán.
Các cung tiêu cực (âm) thường hướng nội, chủ quan và thụ động.

Các cung hoàng đạo cũng được chia theo các cặp đối nhau, đó là: Bạch Dương và Thiên Bình, Kim Ngưu và Thần Nông, Song Tử và Nhân Mã, Cự Giải và Ma Kết, Sư Tử và Bảo bình, Xử Nữ và Song Ngư.

HÌNH THÁI: CHIA HOÀNG ĐẠO THÀNH BA PHẦN

Ba hình thái miêu tả các hình thức diễn đạt khác nhau:
Cung thống lĩnh là các cung quyết đoán. Họ có thể thiết lập cái mới, làm mọi thứ hoạt động. Các cung thống lĩnh là Bạch dương, Cự Giải, Thiên Bình và Ma Kết.
Cung kiên định vững chắc và ngại thay đổi. Họ tập trung và kiên quyết. Các cung kiên định là Kim Ngưu, Sư Tử, Thần Nông, và Bảo bình.
Cung thay đổi linh hoạt và thông minh. Họ dễ thích nghi và biết điều chỉnh. Các cung thay đổi là Song Tử, Xử Nữ, Nhân Mã và Song Ngư.

Trong vòng tròn hoàng đạo, ba hình thái diễn ra liên tục. Năng lượng thống lĩnh bắt đầu thay đổi, năng lượng kiên định đào sâu và duy trì trạng thái, năng lượng thay đổi có thể thay đổi để phù hợp với mọi hoàn cảnh.

CÁC NGUYÊN TỐ: CHIA HOÀNG ĐẠO THÀNH BỐN PHẦN

Miêu tả tính chất của các cung bằng cách chia các cung vào bốn nguyên tố cổ đại là một phương pháp phân loại phổ biến nhất. Bốn nguyên tố đó là lửa, đất, khí và nước:
Lửa mang lại sinh khí, sôi nổi và sức mạnh. Các cung lửa là Bạch Dương, Sư Tử và Nhân Mã.
Đất ban tặng sự ổn định, giác quan chung và khả năng hiểu biết. Các cung đất là Kim Ngưu, Xử Nữ và Ma Kết.
Khí làm tăng thêm trí thông minh và đề cao sự hòa đồng. Các cung khí là Song Tử, Thiên Bình và Bảo Bình.
Nước tăng cường cảm xúc và trực giác. Các cung nước là Cự Giải, Thần Nông và Song Ngư.

TẬP HỢP CÁC CUNG HOÀNG ĐẠO LẠI VỚI NHAU

Một khi đã biết thứ tự các cung, dễ dàng sắp xếp chính xác chúng theo đối cực, hình thái và nguyên tố bởi vì ba kiểu phân loại trên luôn xuất hiện theo một trật tự nhất định. (Có thể thấy điều đó ở bảng 1-2). Các cách phân loại này mang lại rất nhiều thông tin hữu ích. Chỉ cần biết về đối cực, phẩm chất và nguyên tố của mọi cung không thôi đã chứng tỏ bạn biết rất nhiều rồi.

Bảng 1-2 Đặc trưng của các cung

Cung

Đối cực

Hình thái

Nguyên tố


Bạch Dương

Tích cực

Thống lĩnh

Lửa


Kim Ngưu

Tiêu cực

Kiên định

Đất


Song Tử

Tích cực

Thay đổi

Khí


Cự Giải

Tiêu cực

Thống lĩnh

Nước


Sư Tử

Tích cực

Kiên định

Lửa


Xử Nữ

Tiêu cực

Thay đổi

Đất


Thiên Bình

Tích cực

Thống lĩnh

Khí


Thần Nông

Tiêu cực

Kiên định

Nước


Nhân Mã

Tích cực

Thay đổi

Lửa


Ma Kết

Tiêu cực

Thống lĩnh

Đất


Bảo Bình

Tích cực

Kiên định

Khí


Song Ngư

Tiêu cực

Thay đổi

Nước

Lấy Cự Giải làm ví dụ. Đó là một cung nước thống lĩnh tiêu cực. Điều này cho thấy các chú cua hướng nội và thụ động (tiêu cực), với rất nhiều sáng kiến (thống lĩnh) và có nhận thức mạnh mẽ về cảm xúc (nước).

Hay nhìn Sư Tử mà xem. Đó là cung theo sát sau Cự Giải, nhưng lại sở hữu tính cách khác hẳn (đây cũng là đặc điểm của các cung liền kề nhau). Sư Tử là cung lửa kiên định tích cực, nghĩa là họ dễ gần (tích cực), quyết đoán (kiên định) và luôn luôn tỏa sáng (lửa).

Đối cực, phẩm chất và nguyên tố cung cấp kiến thức sơ bộ về bản chất mỗi cung hoàng đạo. Phần II của cuốn sách này sẽ miêu tả tỉ mỉ về từng cung một.

Con người Hoàng đạo

Vòng tròn hoàng đạo xuất hiện trên khắp vũ trụ, đồ sộ và khó có thể bị biệt lập. Tương đương biểu tượng của nó, nhỏ nhắn và vô cùng gần gũi, là cơ thể con người. Hai ngàn năm trước, một nhà chiêm tinh La Mã tên là Manilius đã liên hệ mỗi cung hoàng đạo với một bộ phận trên cơ thể người trong một chuỗi bắt đầu từ đầu – Bạch Dương, và chạy xuống tới bàn chân – Song Ngư. Nghệ thuật Trung Cổ của cả châu Âu và Trung Đông đều có nhiều bản dịch rõ ràng về cái gọi là Con người Hoàng đạo. Hình ảnh này cũng xuất hiện trong các văn bản y học cổ. Thật vậy, người ta từng chữa bệnh dựa trên chiêm tinh học, không phải chỉ bởi vì sự hiều biết của nó về bệnh tật mà còn về cách chữa trị chúng.

Tôi không tin chiêm tinh y học lắm (dù phải công nhận là bản thân từng thấy nhiều trường hợp chính xác một cách kỳ quái, thậm chí làm người ta bối rối). Tuy nhiên, tôi thích sơ đồ này, vì nó nhắc tôi rằng bề rộng kinh nghiệm thể hiện bởi các cung hoàng đạo thật phổ biến và hiện hữu trong bất cứ ai.





source: https://ulastroholic.wordpress.com/2012/02/05/afd-c1-tu-vi-so-luoc-1/?blogsub=confirming#subscribe-blog

Comments

Popular Posts