Chiến lược tài chính cá nhân
Theo như báo cáo phân tích về đối tượng xem blog này thì có tới 60% là những người dưới 35 tuổi. Tôi chợt nghĩ tại sao mình không làm một bài viết giúp những người trẻ định hình được hướng đi tương lai của mình. Đành rằng có rất nhiều hướng đi khác nhau cho mỗi người nhưng cũng giống như khi tính GDP hay tiến độ một dự án người ta thường dùng tiền để làm thước đo và vì vậy cho dù bạn là ai thì cũng có một mục tiêu và con đường có thể định hình được. Để những người mất phương hướng tìm thấy con đường đi của mình.
Khi tôi 22 tuổi tôi nghe nói “Trước 27 tuổi mà chưa thành đạt kể như đã muộn”. Khi 27 tuổi thấy cũng chưa làm gì cho đời, hoang mang lắm, nhưng cũng nhận thức được rằng cái câu kia có gì đó không đúng. Rồi thì tôi nghe nói “Trước 40 tuổi mà không có sự nghiệp riêng thì kể như đã muộn”. Rồi khi gần 40 tôi nhận ra là những câu kiểu đó nhiều nhan nhản giống như vô số lời khuyên có trên mạng ngày nay.
Nếu như được trở lại tuổi 22, có một số thứ tôi sẽ vẫn không thay đổi cách làm nhưng có một số thứ chắc chắn tôi sẽ thay đổi. Những thay đổi đó sẽ mang lại sự thành công sớm hơn và tốt hơn hiện trạng ngày nay bất chấp ngoại cảnh như thế nào.
Lứa tuổi của tôi đã là 40, có nghĩa là hơn 60% những người vào đọc blog này rồi nên có thể đây là bài viết sẽ rất có ích cho bạn. 40% còn lại có thể đọc cho vui, để chiêm nghiệm hoặc để bắt đầu lại từ đầu. Không bao giờ là quá muộn, cứ có bắt đầu thì sẽ có về đích.
Giả sử bạn đang 35 tuổi (hoặc 22 hoặc bất cứ tuổi nào), đã bao giờ bạn nghĩ lúc mình 45, lúc mình 55 tuổi mình sẽ như thế nào chưa. Và nếu có nghĩ tới thì có làm gì để chuẩn bị cho cái lúc đó không?
Hãy nhìn xung quanh, những người > 45 thậm chí là > 60 tuổi. Bạn sẽ bắt gặp một ai đó có thể là hình ảnh của bạn trong tương lai. Bạn có muốn là họ của nhiều năm tới không ? Họ đã có một cuộc sống đáng sống không? Họ có hối hận gì với những việc đã làm và không làm không? Hiện trạng của họ có thuận lợi không, có gặp rắc rối gì không?
Thông thường con người ta ít khi nhận mình đã làm sai một cái gì (ngay cả trong nhận thức), nhưng một người khách quan bên ngoài nhìn sẽ rõ ràng hơn. Đây là cơ hội để bạn quan sát chính mình trong tương lai.
Khi chúng ta đi quanh một gốc cây thì cho dù 1 ngày, 1 năm hay 10 năm thì ta vẫn chỉ ở gốc cây đó. Nếu như 1 năm qua bạn đang đi quanh cây rau muống mà không hề suy nghĩ mình phải đi tới gốc cây đa thì 10 năm tới bạn vẫn cứ ở cây rau muống. Có thể là một cây rau muống khác nhưng bản chất vẫn là cây rau muống.
Có thể một lúc nào đó trong 10 năm đó bạn nghĩ tới phải đi tới cây đa vì cây đa sẽ mang cho mình bóng mát, giúp mình cảm thấy thoải mái hơn đặc biệt khi mình đã lớn tuổi. Chuẩn bị một chút hành lý, làm vài động tác khởi động, đi vài bước rồi lại quay lại với cây rau muống. 10 năm với 10 lần bắt đầu nhưng kết quả cuối cùng vẫn ở cây rau muống.
Giống như một người chạy marathon 42 Km từ điểm A tới điểm B. Anh ta từ A đi 30 phút rồi chán nản quay lại, cứ như vậy nghìn lần thì cứ vẫn ở A mà thôi.
Những gì phức tạp thì chắc chắn sẽ không tốt vì hoặc là người ta chẳng hiểu nổi hoặc là quá khó để thực hiện. Mục tiêu, con đường bạn đi tới trong 10 năm tới tôi khẳng định là không hề khó để xác định cũng như không hề khó để đạt tới. Cái khó thứ nhất là trong đầu bạn thường quan niệm phức tạp thì mới hiệu quả, đơn giản thế này làm sao mà mang lại hiệu quả được.
Cái khó thứ hai đó là thiếu tính kỷ luật. Một con mèo đen chạy ngang qua đường cũng thấy sợ mà quay lại vạch đích. Một sự cám dỗ nho nhỏ cũng khiến bỏ cuộc theo sự cám dỗ trước mắt đó.
Phức tạp hóa + Thiếu kỷ luật đó là sai lầm chung của chúng ta. Muốn đạt một thứ gì đó nhưng lại làm nó quá phức tạp để thực hiện cộng với thiếu kỷ luật khiến cho không bao giờ đạt được cái mình muốn.
Những gì tôi trình bày ở đây chẳng có gì mới, người ta đã viết đầy thành sách, bạn chắc cũng đã đọc. Nhưng hãy cố gắng mở lòng và cố gắng hiểu để có thể áp dụng được.
Hình bên là mô hình thường được gọi là Kim tứ đồ trong cuốn Dạy con làm giàu của Kiyosaki. Xét về vị trí thì chúng ta đứng ở một ô trong 4 ô này. Bao gồm 1.Người làm thuê, 2.Tự doanh (ví như tự bán hàng qua facebook bây giờ), 3. Chủ doanh nghiệp và 4.Người đầu tư
Đa phần trong chúng ta nằm trong ô 1, người làm thuê. Ô 1 hành xử như sau:
Mục tiêu: Lương ngày càng cao hơn
Phương thức: Gia tăng năng lực để ngày có mức lương cao hơn (ở cùng một công ty hoặc một công ty khác)
Do vậy cả cuộc đời của người nhóm này theo đuổi việc ngày càng có E to hơn. Việc gia tăng năng lực của họ nhằm mục đích đó. Đó là những người nhận thức đã khá tốt rồi, chứ còn bình thường thì chỉ cố giữ khư khư cái E mình đang có, nghĩ rằng mình sẽ ở E đó tới khi về hưu.
Đúng ra mục tiêu của chúng ta phải là di chuyển từ E sang B hoặc I. Vì B hoặc I mới mang lại những thứ ta muốn về lâu dài. Cụ thể sự khác biệt giữa các ô :
- Khác biệt về quy mô: ở vế trái bạn chỉ dùng sức của chính mình. Ở vế phải bạn tận dụng được lợi thế quy mô khi dùng sức của nhiều người.
- Khác biệt về nguồn gốc sinh ra tiền: Ở vế trái sức lao động tạo ra tiền, ở vế phải tiền tạo ra tiền.
- Khác biệt về đối tượng bạn phục vụ: có 1 ô bạn làm cho người khác và 3 ô bạn làm cho chính mình.
Cách thức mọi thứ diễn ra:
- Employee (làm thuê): Học hành chăm chỉ nhận được điểm cao khi ngồi ghế nhà trường. Ra trường tiếp tục học lên cao nhằm mục đích để có được công việc với mức lương cao. Họ hướng tới sự ổn định. Mất việc cũng là lúc mất hoàn toàn thu nhập.
- Self Employed (Tự doanh): làm chủ một hệ thống kinh doanh nhỏ chỉ có mình hoặc người thân làm. Họ làm việc 7 ngày một tuần, 12 giờ mỗi ngày. Khi họ ngừng làm việc thì hệ thống cũng ngừng. Khi bắt đầu tự doanh họ hừng hực khí thế có thể làm việc với tần suất cao nhưng vài năm sau khi đam mê hết thì họ bị đuối sức và từ bỏ sự nghiệp tự doanh của mình. Lợi ích nhận được thấp hơn so với cái giá quá lớn họ phải bỏ ra.
- Business Owner (Chủ DN): Học cách làm thế nào để xây dựng một hệ thống với một mô hình kinh doanh cùng một lượng người làm việc chăm chỉ để chạy cái hệ thống đấy. Họ không làm việc một mình mà tạo ra một nhóm làm việc cho họ.
- Investor (Nhà đầu tư): Họ có một danh mục đầu tư. Những người có tiền đang làm việc chăm chỉ cho họ.
Theo tư duy thông thường của một người đang ở E, sau một thời gian tích lũy vốn cộng chán nản với công việc hiện thời nhảy sang vị trí S. Đặc trưng của S thì như đã ghi ở trên, anh sẽ phải làm việc quần quật, ngừng làm là ngừng dòng tiền. Khéo ra thì có lãi, không cẩn thận tính cả sức lao động, chi phí cơ hội các thể loại thì thành lỗ.
Người ở S phải chuyển sang B bằng cách xây dựng một mô hình kinh doanh thể hiện bằng một bộ máy, thuê người khác lắp vào các vị trí cho bộ máy vận hành. Họ chuyển sang điều hành con người thay vì trực tiếp điều hành công việc.
Investor (nhà đầu tư) chúng ta hiểu thông qua một số ví dụ sau:
- Bạn có tài sản cho thuê như nhà cửa, xe cộ, máy móc,…: bạn thu được tiền từ việc cho thuê.
- Bạn có cổ phiếu của một công ty tăng trưởng: bạn nhận cổ tức hàng năm.
- Bạn là thành viên của hội đồng quản trị, thuê người điều hành DN.
Mua các tài sản ở giá thấp và bán ở giá cao như vàng bạc, cổ phiếu, ngoại tệ,… mà không dựa vào giá trị nội tại của tài sản đó gọi là đầu cơ chứ không phải đầu tư.
Điểm chung của Investor là tiền đẻ ra tiền. Càng có nhiều tiền thì càng có nhiều tiền được đẻ thêm ra.
Vậy đích đến của chúng ta rõ ràng là Investor rồi. Nó giúp ta có thu nhập bất kể trời mưa hay nắng, ta làm hay không làm. Rất nhiều công việc ở E có giới hạn về tuổi ví dụ như bạn không thể làm công nhận may khi đã 45 tuổi được. Giả sử lúc 45 tuổi bị nghỉ việc thì bạn sẽ sống bằng gì tới cuối đời ?
Investor chính là mục tiêu “tự do tài chính”, nơi lợi tức từ tài sản bạn có giúp mang lại thu nhập lớn so với chi tiêu của bạn ở mức thoải mái. Bạn đừng hiểu nhầm việc mua một ít cổ phiếu có thể khiến bạn thành Investor đúng nghĩa như tôi muốn nó. Thời điểm bạn đạt được yêu cầu trên là thời điểm bạn chính thức là một Investor.
Xin hãy dành thời gian nghĩ kỹ về mục tiêu trên vì 70% nội dung 13 cuốn Dạy con làm giàu của Kiosaki cũng chỉ nhằm nhấn mạnh tới mục tiêu đó mà thôi. Nếu bạn không nhận thức được đó là đích đến thì rất khó để có thể xây dựng cho mình tinh thần kỷ luật trên con đường tới đó.
Giờ tới câu hỏi quan trọng thứ hai. Vậy tôi tới đó bằng cách nào?
Có 3 cách từ E tới I trừ các trường hợp thừa kế như hình trên. Bạn đến đó bằng cách tích lũy hai thứ:
- Vốn
- Năng lực sử dụng vốn
Có vốn mà thiếu năng lực sử dụng vốn thì sẽ mất vốn. Có năng lực sử dụng vốn mà không có vốn, không biết huy động vốn từ đâu thì cũng chỉ chém không khí tạo gió.
Như vậy bạn sẽ phải biết cách tích vốn và biết cách sử dụng vốn đó.
Để tích vốn bạn chỉ cần học một điều sau:
Lãi kép
Hãy nhìn bảng trên cùng phía dưới. Giả định là bạn đang có 5 triệu, nếu gửi 5tr đó vào ngân hàng theo hình thức không rút lãi với tỷ lệ lãi là 6%. Sau 10 năm bạn sẽ có 8.954.000 đồng. Quả là không đáng.
Giả sử mỗi tháng bạn tiết kiệm 1 triệu, mỗi năm được 12 triệu. Số tiền đó cũng được gửi vào ngân hàng theo hình thức không rút lãi. Sau 10 năm bạn có 146 triệu.
Tương tự nếu mỗi tháng bạn tiết kiệm 2 triệu thì sau 10 năm bạn có 284 triệu. Nếu mỗi tháng tiết kiệm 3 triệu thì sau 10 năm bạn có 422 triệu
422 triệu của ngày hôm nay và 422 triệu của 10 năm nữa không giống nhau. Điều đó là đương nhiên. Nhưng tôi muốn trong phần này bạn chỉ quan tâm tới lãi kép thôi vì có cách để bạn bảo toàn được giá trị đồng tiền.
Giờ bằng cách nào đó bạn tăng tỷ lệ lãi lên thành 10%, 15% thì con số cuối cùng cũng tăng theo là 501 triệu và 624 triệu.
Số tiền sau 20 năm sẽ là 1,231 tỷ, 1,87 tỷ và 3,25 tỷ. Bạn có thể download file excel Lai kep để tự mình kiểm nghiệm.
Nếu bạn bắt đầu làm việc từ năm 22 tuổi thì tới năm 42 tuổi bạn sẽ có số tiền tương ứng với khả năng tích lũy của mình. Nếu bắt đầu từ lúc 35 tuổi thì tới 55 tuổi bạn cũng sẽ có con số tương ứng.
Kinh nghiệm cho thấy là khi bạn càng tích lũy được nhiều thì ham muốn và sự quyết tâm trong bạn ngày càng tăng. Có thể tháng đầu bạn chỉ tiết kiệm 1 triệu nhưng tới lúc nào đó bạn sẽ tiết kiệm tới 50% tổng thu nhập của mình.
Tuy nhiên nhớ rằng Chất lượng sống quan trọng hơn thời gian sống. Đừng keo kiệt và bủn xỉn với chính mình để có những đồng tiết kiệm.
Thu nhập trong đời mỗi người đều có xu hướng tăng dần nhưng vì chi tiêu tăng cùng với thu nhập nên không có tích lũy. Nếu có mục tiêu, có ý thức thì chi tiêu sẽ độc lập với thu nhập nhờ vậy mà bạn sẽ tích lũy được nhiều hơn. Hãy học cách chi tiêu trước khi quá muộn.
Đó là cách bạn tích lũy vốn. Giờ là tới phần năng lực vì nếu không có năng lực thì bạn sẽ tích lũy chậm mà nếu tích lũy được thì cũng sẽ đánh mất. Nó cũng trả lời câu hỏi làm sao ta có thể chống lại sự mất giá của đồng tiền với tốc độ tích lũy chậm như vậy
1. Tài sản và Tiêu sản (nợ):
Tài sản là những thứ sinh ra tiền và Tiêu sản (nợ) là những thứ làm mất tiền. Một thứ có thể là tiêu sản trong tay người này nhưng là tài sản trong tay người khác.
Bạn sở hữu một cái nhà và cho thuê nó. Tiền thuê nhà lớn hơn chi phí duy trì (thuế, sửa chữa, hao mòn,..,..) thì đó là tài sản nhưng nếu nhỏ hơn thì đó là tiêu sản.
Bạn sở hữu một cái ô tô. Nếu cái ô tô đó mang lại tiền thông qua việc cho thuê, dịch vụ vận tải,… thì đó là tài sản. Nhưng nếu như cái ô tô đó mỗi tháng bạn đi đôi lần trong khi phải mất 10tr/tháng để duy trì nó thì nó là tiêu sản.
Một căn nhà quá to so với nhu cầu, một cái ô tô rất ít khi đi, một cái điện thoại quá xịn, một bộ quần áo đẹp hơn cần thiết, trả tiền học trường quốc tế cho bọn trẻ con, bỏ tiền du học tự túc cho con,…sẽ đều là tiêu sản đối với bạn. Bạn đã mất tiền mua mà lại còn mất tiền bảo quản và sử dụng nữa.
Hãy gia tăng tài sản và Giảm thiểu nợ.
(Tôi sẽ dùng “nợ” thay cho tên “tiêu sản” từ đây tới cuối entry)
2. Nợ của người này là tài sản của người khác
Bạn nợ ngân hàng 1 tỷ. 1 tỷ đó là tài sản của ngân hàng trong khi nó là tiêu sản đối với bạn. Mỗi tháng bạn mất 1% trả lãi ngân hàng, ngân hàng thu nhập được 1%.
Khi bạn mua hàng từ thẻ tín dụng, số lãi phải trả là 12 %/năm nhưng khi bạn thanh toán từ tiền bạn đang có sẽ là 6%/năm (nếu bạn gửi số tiền đó vào NH).
Bạn vay ngân hàng 3 tỷ để mua căn nhà đang ở, dùng chính nó để làm thế chấp. Căn nhà đó là tài sản của ngân hàng. Khi bạn không trả được nó sẽ thuộc về NH, NH nhận được tiền lãi đều đều hàng thấng từ thu nhập của bạn. Căn nhà là tiêu sản (nợ) đối với bạn, mặc dù bạn sống trên nó nhưng có thể mất đi bất cứ lúc nào nếu không trả được nợ.
Ngân hàng thường thúc giục bạn hãy đầu tư đi, vay nợ đi, hãy mua nhà trả góp, 2 năm nữa thôi giá sẽ tăng gấp rưỡi. Có bao giờ bạn tự hỏi, nếu như ngon ăn tới thế tại sao Ngân hàng không tự mình đầu tư mà lại thúc giục bạn đầu tư?
Đừng làm tăng nợ.
3. Nợ tốt nợ xấu
Không phải nợ nào cũng là nợ xấu, nếu sợ nợ thì làm gì có khái niệm đòn bẩy tài chính. Nợ tốt là nợ mà người khác trả chi phí giúp bạn. Ví dụ bạn mua một căn nhà và cho thuê. Bạn phải trả lãi ngân hàng cho căn nhà đó là 6 triệu/tháng, bạn cho thuê 10tr/tháng. Vậy lãi ròng của bạn là 4tr; đó là nợ tốt.
Nợ xấu là nợ mà chênh lệch ròng đó là âm. Nếu bạn mua căn nhà trả lãi mỗi tháng 10tr, cho thuê được 6tr thì đó rõ là tiêu sản. Bạn có thể lập luận nhưng căn nhà sẽ tăng giá trong tương lai. Suy nghĩ như vậy có thể đúng có thể sai nhưng thường là sẽ sai nếu đó chỉ là suy nghĩ chủ quan của bạn mà không qua phân tích thấu đáo.
Đừng đếm gà trước khi trứng nở. Bất động sản đúng là xét về dài hạn luôn tăng (đất đai có hạn mà) nhưng xét về ngắn hạn thì không chắc. Nếu bạn mua nhà ở đỉnh sóng ngắn thì đợi tới muốt mùa mới tới lúc giá nhà cao hơn giá khi mua + chi phí cơ hội của tiền.
Có người mua một căn nhà rất to với chi phí duy trì nó hàng tháng lớn như thuế đất, dịch vụ theo mét vuông, osin để lau dọn. Họ lập luận rằng giá nhà đó 10 năm nữa sẽ tăng lên tới chóng mặt. Nhưng họ quên mất một điều rằng nó cũng có thể xuống thấp tới chóng mặt và rằng nếu nó có tăng thì họ phải bán nó đi mới có được khoản lãi đó. Bản chất căn nhà vẫn vậy cho dù giá nó trên thị trường có tăng giảm thế nào.
Đừng sợ nợ, nhưng khi chưa hiểu làm sao để có nợ tốt thì đừng có dính tới nợ.
4. Mua tài sản khi giá của nó thấp hơn giá trị thực
Nguyên tắc của một công ty thương mại là T-H-T’ ; trong đó T’ – T mang lại lợi nhuận.
Nguyên tắc của đầu tư là mua một tài sản với giá thấp hơn giá trị thực vì trong trường hợp xấu nhất khi bán ở giá trị thực thì vẫn có chênh lệch.
Các tài sản có thể đầu tư bao gồm Ngoại tệ, Vàng bạc, Cổ phiếu, Nhà đất.
Bất cứ một lúc nào cũng có một loại tài sản nào đang bị định giá cao thông qua việc thổi bong bóng và một tài sản nào đó đang bị định giá thấp do vỡ bong bóng. Tiền sẽ đổ từ tài sản này tới tài sản khác giống như nước sóng sánh trong một bát nước, lúc nào cũng có điểm trũng hơn cân bằng và lúc nào cũng có điểm cao hơn điểm cân bằng.
Trong ngắn hạn, tài sản cũng bị định giá thấp hay cao bởi hành vi của nhà đầu cơ. Giá của tài sản luôn sẽ dao động quanh giá trị thực của tài sản đó.
Thời điểm mà tất cả các tài sản đều bị thổi bong bóng là không có. Giống như sự kiện tất cả mặt nước trong bát nước đều cao hơn điểm cân bằng là không thể xảy ra trừ khi người ta hất nước đi.
Xét trong phạm vi 1 năm thì khó nhận ra nhưng hãy xét ở phạm vi 10 năm, bạn sẽ xác định được đâu là lúc nên sở hữu một loại tài sản nào đó. Tất nhiên để kiếm được khoản chênh lệch buộc bạn phải có vốn và buộc bạn phải có khả năng lựa chọn điểm mua điểm bán.
5. Danh mục đầu tư
Bạn phân biệt sự khác biệt của các loại tài sản như sau:
- Ngoại tệ: Cho dù bạn mua ngoại tệ nào đi chăng nữa thì nó cũng vẫn cứ bị ảnh hưởng của Lạm phát. Mua USD chỉ giúp bạn chống lại lạm phát của VNĐ nhưng không chống lại được lạm phát của chính USD.
- Vàng: Vàng tự nó không đẻ ra vàng. Dù sao nó cũng chỉ là một loại kim loại giống như vỏ ốc. Nó giá trị là vì có nguồn cung có hạn trong khi nguồn cầu thì nhiều. Tính chất của vàng dẫn điện tốt nhưng dùng vàng để làm dây điện thì chẳng ai làm. Xét về dài hạn vàng rất khó bứt phá tiếp nữa. Dự trữ vàng chỉ giúp bạn cùng lắm chống được lạm phát khi nắm giữ tiền giấy.
- Nhà đất: Nhà cửa có thể sinh ra tiền nếu có thể cho thuê. Nhà đất cho dù ở Việt Nam hay là ở Mỹ thì cũng không phải sở hữu cá nhân, nó là sở hữu nhà nước. Bạn phải nộp thuế sử dụng đất, càng sở hữu nhiều thì càng phải đóng thuế nhiều.
- Cổ phiếu: là một loại giấy tờ có giá chứng minh bạn sở hữu một phần của một doanh nghiệp nào đó. Nếu doanh nghiệp đó có lãi thì bạn thu được tiền tương ứng với tỷ lệ mà mình nắm giữ.
Tất cả tài sản đều có thể mua rẻ bán đắt để thu lại khoản chênh lệch. Nhưng khác biệt lớn nhất giữa các loại tài sản là có nhóm tự nó sinh ra giá trị như nhà đất, cổ phiếu và nhóm chỉ sinh ra giá trị khi giá bán ra cao hơn giá mua vào như Vàng, ngoại tệ. Cách đây chục năm gửi vàng, ngoại tệ vao ngân hàng có lãi; giờ lãi gửi là 0%.
6. Cổ phiếu
Cổ phiếu thường bị gắn với cụm từ lướt sóng, là một cái gì đó rất cờ bạc, xấu xa. Nhưng ý nghĩa gốc của nó rất tốt đẹp. Đại loại ta hiểu thế này:
Tôi và A mở một công ty kinh doanh phần mềm. Tôi góp 500 triệu, A góp 500 triệu; tổng 1 tỷ làm vốn. 2 năm đầu chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn nhưng mọi thứ bắt đầu vào quỹ đạo, chúng tôi làm ăn bắt đầu có lãi. Lãi hàng năm chúng tôi lại cho vào để tái đầu tư nhờ vậy 8 năm tiếp theo số vốn đã lên tới 5 tỷ đồng.
Sau 10 năm làm ăn với A chúng tôi bắt đầu nảy sinh bất đồng quan điểm trong việc quản lý doanh nghiệp. Tôi muốn rút vốn ra khỏi công ty lúc này đã là 5 tỷ. Tôi phải điều đình với A để A mua lại sở hữu đó của tôi. A đưa tôi 5 tỷ, tôi ra đi.
Nhưng nếu như công ty của chúng tôi được niêm yết trên sàn chứng khoán thì tôi không nhất thiết phải bán số cổ phần đó cho A. Tôi có thể bán cho bất cứ ai có nhu cầu và giá đó không phải là 5 tỷ mà có thể là 10 tỷ tùy thuộc vào lợi nhuận sau thuế hàng năm của công ty.
Tôi rút đi nhưng công ty làm ăn vẫn có lãi 20% mỗi năm. B mua cổ phần của tôi và được hưởng cổ tức đều đều. Tới một lúc nào đó B có thể bán số cổ phần của anh ta cho 1 hoặc rất nhiều người khác nhau.
Thị trường chứng khoán giúp cho cổ phiếu (hoặc các giấy tờ có giá khác) được lỏng hơn. Có nghĩa là dễ dàng chuyển thành tiền mặt hơn. Giúp cho những người như tôi không ngại khi nắm giữ cổ phiếu vì tin chắc rằng nếu mình cần tiền thì mình có thể bán đi bất cứ lúc nào.
Giá trị mặc định một cổ phiếu là 10.000 đ nhưng giá trị trao đổi lại được cung cầu của thị trường định giá. Giá của nó có thể là 20.000 mà cũng có thể là 150.000, tùy thuộc và lợi tức mà nó mang lại.
Một doanh nghiệp làm ăn tốt khi lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nó phải lớn hơn lãi của tiền gửi ngân hàng. Vì nếu thấp hơn thì tốt nhất là nên gửi tiền vào ngân hàng, kinh doanh làm gì cho mệt, trừ khi xác định đó là giai đoạn đầu tư cần bỏ chi phí nhằm thu lại ở một thời điểm nào đó trong tương lai.
Như vậy xét về dài hạn thì một cổ phiếu của một công ty tăng trường luôn có xu hướng tăng. Bạn thu lợi cổ tức hàng năm và giá trị cổ phiếu tăng lên vượt quá so với lạm phát
Cổ phiếu của Vietcombank từ 2011 tới nay: giá của mỗi CP năm 2011 là 14.000 tới nay đã gấp 3 lần.
Tương tự tất cả các thương hiệu lớn như vingroup, Vinamilk, Hòa Phát,….đều có đồ thị kiểu như vậy. Không những bạn đánh bại được lạm phát mà nó còn mang lại lợi ích hơn gấp vài lần.
Điểm quan trọng nữa là 1 CP có giá chỉ vài chục nghìn, bạn có thể mua từng phần. Đó là điều không thể làm được khi kinh doanh nhà đất.
Sai lầm của mọi người khi đầu tư cổ phiếu là theo tâm lý đầu cơ. Muốn hôm nay mua giá thấp và ngày mai bán giá cao; họ đi theo những con sóng nhỏ. Người theo trường phái đầu cơ lướt sóng thường xét về dài hạn chẳng mất cũng chẳng được. Tệ hơn là bị người ta luộc chín hết cả vốn. Ta rất dễ bị cuốn vào tâm lý đầu cơ. Warren Buffet có nói hãy mua nó và quên nó đi trong vài năm. Việc bạn theo dõi sự lên xuống hàng ngày của cổ phiếu sẽ khiến bị cuốn vào vòng xoáy mua bán, chỉ béo các công ty môi giới chứng khoán.
Có rất nhiều cách làm giàu:
- Vẽ một bức tranh kiểu như “cô gái bên hoa mai”, sáng tác bản nhạc “Em của ngày hôm kia”, phát minh ra một thứ như “máy bay chạy bằng xăng pha nhớt”, nói đích xác việc sẽ xảy ra của 1000 năm tới,…
- Kiếm một mảnh đất, chia nó ra làm 4, bán cho 3 người. Trả tiền cho người bán và còn dư ra một ít tiền để xây nhà trên phần đất còn lại.
- Mua một căn hộ, sửa sang nó và bán lại với giá cao hơn gấp rưỡi.
- Đi Bắc giang, mua cân vải, mang sang Mỹ bán.
- Luyện đánh gôn thật tốt kiểu như Tiger Wood, hát hay như Mỹ Linh, giỏi võ như Thúy Hiền, ….
- …
Có rất nhiều cách tùy thuộc vào sự sáng tạo của bạn. Nhưng hãy nhớ rằng có 1 vạn người tập hát nhưng chỉ có 10 người có thể kiếm tiền từ đó. Có hàng nghìn nhà khoa học nhưng chỉ có một người làm chủ một phát minh nào đó. Con đường tôi đang nói tới áp dụng cho số đông, một con đường chắc chắn sẽ đạt được.
Nhưng đừng nghĩ mọi thứ đơn giản như thế, thế thì chỉ cần bạn có vốn, cần quái gì phải có năng lực sử dụng vốn. Bất cứ một thời điểm nào cũng có một cổ phiếu nào đó đang bị định giá cao thậm chí quá cao so với giá trị thực. Nếu bạn mua nó ở đỉnh thì cũng như là ví dụ buôn bán nhà đất ở trên thôi, chỉ là không mất tiền còn lợi nhuận thì không đáng kể.
Vậy mấu chốt phải là mua được cổ phiếu khi nó bị định giá thấp hơn giá trị thực và nó có tiềm năng tăng trong tương lai. Làm sao bạn biết được điều đó? Bạn biết được thông qua:
- Phân tích tài chính
- Phân tích trình độ quản trị của DN
- Phân tích ban lãnh đạo của DN
- Phân tích mô hình kinh doanh của DN
- Phân tích tiềm năng của ngành
- Phân tích lợi thế cạnh tranh của DN
- …
- Phân tích chu kỳ kinh tế để lựa chọn ngành sẽ tăng trưởng trong tương lai
- Phân tích chinh sách tiền tệ, chính sách tài khoá
- Phân tích thương mại quốc tế
- Phân tích dòng chảy của vốn trên thế giới.
- ..
Đòi hỏi rất nhiều thứ, đó chính là năng lực mà bạn phải học hỏi. Hãy tăng trưởng năng lực phân tích đó song hành với tăng trưởng vốn của bạn. Bạn sẽ học được cách tích lũy và làm cho con số % lợi nhuận có thể lên tới 20% thậm chí 30%.
Điều tối kỵ trong kinh doanh chứng khoán là theo đám đông, đám đông di chuyển theo dòng thông tin trên mạng. Nhiệm vụ của bạn không phải đi theo đám đông một cách mù quáng. Có lúc đám đông đúng nhưng đa phần là họ sai.
Trường phái nền tảng xuất phát từ hoạt động kinh doanh thực sự của DN .Họ được chia ra là nhà đầu tư bên ngoài và nhà đầu tư bên trọng. Nhà đầu tư bên ngoài phân tích các báo cáo tài chính, phân tích tiềm năng của DN, …..Họ dùng phân tích để dự báo tăng trưởng của DN từ đó quyết định nắm giữ hay bán nó ra. Hoạt động của họ tính theo đơn vị năm vì một năm là trọn vẹn một chu kỳ KD của DN. Nhà đầu tư bên trong rất đa dạng và thường họ là người kiếm lời nhiều nhất. Tạo ra DN, phát hành cổ phiếu ra công chúng. Mua số lượng cổ phiếu giúp có tiếng nói trong DN, tham gia vào quản trị DN để vực DN từ yếu kém lên phát triển (đồng nghĩa từ cổ phiếu ít giá trị thành có giá trị).
Trường phái kỹ thuật xuất phát từ việc phân tích các biểu đồ của quá khứ dự đoán đồ thị tương lai lên hay xuống. Hoạt động mua bán của họ diễn ra liên tục, chính họ tạo ra các cơn sóng nhỏ bất chấp DN có đang làm ăn tốt hay không tốt. Đôi khi họ đội nốt dưới vẻ phân tích rất bài bản nhưng chủ yếu dưới góc độ dùng thông tin để dẫn dắt đám đông chạy theo và bị vặt. Họ làm xấu đi bản chất của thị trường chứng khoán là nơi huy động vốn trung hạn của DN, giúp DN có vốn phát triển KD từ đó tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Khi mới tham gia vào thị trường chứng khoán các nhà đầu tư hay bị mắc lỗi đó là nghĩ rằng có thể sống vì nó. Bỏ hết các công việc khác chỉ ngồi tính toán làm sao có thể mua rẻ bán đắt. Điều đó thật hấp dẫn, hãy tưởng tượng sáng bạn đi ra quán cafe, ngồi xem thị trường lên xuống, tính tính toán toán, chiều rủ thằng bạn đi đá bóng rồi làm chầu nhậu trước khi về nhà. Cuối tháng vẫn có tiền thu nhập giống như đi làm bình thường.
Bản chất của lướt sóng là tiền từ người này đổ sang tay người khác không xuất phát từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bạn có khẳng định mình nằm trong top 10% những người giỏi nhất không? Có nằm trong một tổ lái nào đó không? Nếu không thì đừng dại quyết sống vì nó.
7. Bốn vùng thu nhập
Giả sử như tổng thu nhập của bạn được tính theo tỷ lệ 100%. Chiến lược di chuyển có những cách sau:
Con đường thứ nhất: Truyền thống từng bước E -> S -> B -> I
Biểu đồ bên tay trái bạn là con đường đi của cách 1. Cách rất truyền thống mà mọi người hay theo đuổi.
Đầu tiên 100% thu nhập của bạn đến từ việc làm thuê. Lương, các khoản thưởng, phúc lợi,….Nếu chúng ta dừng ở mức này thì rủi ro sẽ rất lớn vì thu nhập sẽ không còn nếu như ta không có việc làm.
Khi thu nhập tăng lên thì chi tiêu cũng tăng lên tương ứng. Trừ khi thu nhập của bạn tăng đột biến khiến cho chi tiêu không tăng kịp còn thì bình thường tích lũy của nhóm người này bằng 0.
Giả sử như bạn có một khoản tích lũy là 100 triệu. Thấy bạn bè mở quán cafe, kinh doanh qua mạng, mua xe để đi uber,…bạn cũng tham gia vào tuy nhiên vẫn không bỏ hẳn công việc cũ. Lúc này thu nhập của bạn đến từ hai nguồn là Làm thuê và Tự doanh.
Nếu như bạn dừng ở bước này thì nếu tốt thì không sao, nếu dở thì kịch bản là công việc tự doanh khiến bạn kiệt sức trong khi công việc ở cơ quan do làm không chuyên tâm cũng đi xuống. Kết quả là thu nhập của cả hai vùng sẽ cùng đi xuống tới mức mà bạn phải quay trở lại bước 1.
Giả sử như kinh doanh thuận lợi, ham quá bạn nghỉ việc luôn ở công ty, chấm dứt thu nhập từ làm thuê. Lúc này chỉ có thu nhập từ tự doanh.
Nếu như bạn dừng ở bước này thì cũng sẽ có hai kịch bản. Kịch bản xấu là sau một thời gian công việc tự doanh ngày càng khó khăn khiến thu nhập của bạn đi xuống cộng với sự mệt mỏi vì phải làm cả buổi tối, thứ bảy chủ nhật,…Kết cục là tiêu hết cả vốn và quay lại con đường làm thuê.
Giả sử như đầu óc của bạn sáng láng, phát hiện ra cơ hội kinh doanh sẽ tốt hơn khi được mở rộng. Bạn chính thức thành lập công ty, thuê người làm vào các bộ phận. Lúc này bạn đã trở thành chủ doanh nghiệp.
Kịch bản xấu là bạn không quản lý tốt dòng tiền, chi phí, con người,…..khiến cho công ty cứ ngày càng đi xuống hoặc cứ bình bình mãi. Nó ngốn hết cả vốn của bạn, tất nhiên lần này bạn sẽ mất nhiều hơn nhiều so với sự thất bại khi tự doanh. Lúc này tình huống khá xấu vì đang làm chủ quen bạn sẽ không cảm thấy thoải mái khi đi làm thuê nữa.
Tốt ra thì công việc kinh doanh thuận lợi, tiền bạn tích lũy ngày càng nhiều. Rồi bạn mua một số mảnh đất, mua một số căn nhà, một số vàng và ngoại tệ, thậm chí là mở thêm vài công ty nữa. Chính thức là một investor.
Con đường thứ hai di chuyển từ E sang O
Con đường này khá phổ biến. Bạn đang làm thuê cho một công ty với thu nhập đến 100% từ làm thuê. Con đường thăng tiến khá tốt, bạn lên làm trưởng phòng, phó giám đốc thậm chí là giám đốc. Tuy nhiên vẫn chỉ là người làm thuê.
Cảm thấy nắm vững được mô hình kinh doanh, có thể vận hành được doanh nghiệp, nhìn thấy cơ hội tiềm tàng cùng với một số vốn tương đối tích lũy được bạn mở một công ty cho riêng mình. Từ người làm thuê trở thành chủ doanh nghiệp.
Con đường này khá phổ biến và xác suất thành công cao hơn hẳn con đường truyền thống. Người theo con đường này tích lũy được kinh nghiệm thông qua chi phí mà doanh nghiệp phải trả. Khác với con đường đầu tiên khi bạn tự doanh thì bạn phải xùy tiền từ chính sai lầm của mình.
Tuy nhiên con đường này không phải là không có rủi ro. Mỗi người làm thuê đều có ảo tưởng sức mạnh của mình. Càng lên cao thì họ càng ảo tưởng, nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ, thiếu mình thì vũ trụ cũng sụp đổ. Họ quên mất một điều rằng cho dù họ có làm phụ trách cả một mảng thì họ cũng chỉ giỏi về mảng đó thôi, nhiều mảng khác họ không phải rờ tới. Đó là còn chưa kể khi họ phải quyết định trên túi tiền của mình thì các quyết định của họ không thể thoải mái khi còn làm thuê. Cái khó bó cái khôn; làm thuê phát huy có thể rất tốt nhưng tự làm chủ thì lại nhũn như con chi chi.
Đây là con đường nên theo đối với những người có năng lực, có quyết tâm phát triển sự nghiệp của mình. Bạn không nên phát triển theo chiều rộng kiểu như làm công ty này một tí rồi nhảy sang công ty khác làm một tí; biết thì nhiều nhưng không sâu.
Con đường thứ ba đi từ E sang O,I hoặc đi từ E sang I
Thu nhập ban đầu vẫn là 100% từ làm thuê. Họ làm cật lực vất vả đại loại chục năm rồi được công ty cho mua cổ phần với giá ưu đãi. Nhờ vậy họ thành một bộ phận chủ DN của chính DN họ đang làm.
Thu nhập của họ ngoài đến từ lương còn đến từ cổ tức nhận được từ số cổ phần họ nắm giữ.
Khi bạn đang ở nhóm E, tích lũy được một lượng tiền và mua vàng bạc, ngoại tệ, đất đai, cổ phiếu,…. là bạn đang bắt đầu gia nhập vào nhóm I. Ban đầu các tài sản đó cũng mang lại một phần nhỏ thu nhập cho bạn. Nhưng khi lượng tài sản mang lại thu nhập tăng lên dần tới mức khiến cho bạn chuyển hẳn sang I mà không còn phải ở E nữa. Nhưng hãy nhớ là Đầu tư và Đầu cơ là hai việc khác nhau. Hãy theo con đường gia tăng năng lực kết hợp với tích lũy vốn.
Con đường từ E sang O,I đòi hỏi rất nhiều năm cống hiến cùng năng lực tốt. Nhiều DN bán cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ công nhân viên theo thâm niên công tác, theo vị trí và theo tiềm năng phát triển. Giá bán có khi chỉ bằng một nửa so với giá giao dịch trên thị trường.
Đa phần chúng ta theo con đường thứ 3, từ người lao động chuyển dần sang nhà đầu tư. Khi tổng thu nhập đến từ các tài sản bạn nắm giữ lớn hơn so với tổng chi phí thì đó là lúc bạn đã ổn định về tài chính, yên tâm sống tới cuối đời. Thậm chí khi chết đi chuyển tài sản đó cho con của bạn để nó tự do tài chính còn sớm hơn bạn.
Để làm được điều này đòi hỏi một tính kỷ luật rất cao. Trong quá trình tích lũy vốn bạn sẽ dịch chuyển dần từ nắm giữ tài sản này sang nắm giữ tài sản khác có khả năng sinh lời cao hơn theo sự tăng tiến của năng lực. Tránh sai lầm là trong túi có vài trăm triệu lập tức nghĩ ngay tới nghỉ việc đang làm vác tiền đi tự doanh.
Nó cũng đòi hỏi một khoảng thời gian rất dài 10 năm, 20 năm. Thời gian quá dài khiến chúng ta dễ bị mất đi hưng phấn của những ngày đầu theo kế hoạch. Nhưng hãy yên tâm, khi bạn có được một chút thành quả ban đầu thì bạn sẽ càng quyết tâm theo đuổi con đường này.
Nó cũng yêu cầu bạn phải gia tăng năng lực tích lũy tài sản, giảm trừ tiêu sản, giúp quản lý thu nhập và chi phí thông minh hơn. Nó cũng yêu cầu bạn phải gia tăng khả năng sử dụng vốn nhanh hơn số tiền tích lũy được tại mỗi thời điểm.
Nếu bạn lo lắng mình không thể học được để gia tăng năng lực do tố chất, do thiếu thời gian thì cũng không sao. Cứ có tiền trong túi, có ham muốn đạt mục tiêu tài chính, bạn sẽ tìm ra cách. Nhưng ít nhất, tối quan trọng, là bạn phải học được cách quản lý nguồn thu chi của bản thân và gia đình.
Tóm lại:
- Thông qua khả năng tiết kiệm mỗi tháng, đặt ra cho mình một mục tiêu tài chính trong 10 năm tới. Cứ sau mỗi 1 năm, xem xét lại mục tiêu và điều chỉnh một lần.
- Làm việc chăm chỉ, gia tăng năng lực để làm tốt công việc mình đang làm. Giúp thăng tiến và gia tăng thu nhập.
- Xây dựng nhận thức trong đầu về việc nắm giữ tài sản, giảm thiểu nợ. Cân nhắc giảm trừ các khoản chi cho hàng hóa dịch vụ không thực sự cần thiết. 20% các khoản chi của bạn giúp mang lại 80% chất lượng sống vì vậy hãy tập trung vào 20%.
- Học về kinh tế học, quản trị kinh doanh, phân tích báo cáo tài chính,… kết hợp với theo dõi các thông tin về chủ đề kinh tế vĩ mô, kinh doanh, tài chính ngân hàng,…..Nhằm mục tiêu trả lời câu hỏi Làm sao gia tăng được % lợi nhuận trên vốn đang có?
- Thư giãn, không nóng vội, sốt ruột,…Con đường này là con đường chắc chắn tới đích, hãy đi bộ bình tĩnh; mặc kệ mọi người xung quanh đang chạy hay ngồi. Tránh tâm trạng nôn nóng muốn đốt cháy giai đoạn khi ngay từ đầu % để dành quá lớn ảnh hưởng tới chất lượng sống hiện tại. Hãy bắt đầu từ con số 5% thu nhập, 10% thu nhập.
Nếu ai đã từng xem phim hoạt hình “UP” chắc phải rất ấn tượng về quá trình hai nhân vật chính của chúng ta tiết kiệm bỏ tiền vào cái lọ với mong muốn có tiền lên đỉnh thác gì gì đó. Nhưng cái cốc liên tục bị đập vỡ để sửa nhà, sửa ô tô, chữa bệnh…
Trong quá trình thực hiện kế hoạch chẳng thể tránh được những lúc ta gặp một vấn đề gì đó phải cần tới tiền khiến cho tiến trình bị phá vỡ. Nhưng miễn bạn giữ quyết tâm về hướng đi thì rồi bạn cũng sẽ tới đích. Rủi ro trong đời người là không tránh khỏi nhưng giữa hai con đường không quan tâm tới mục tiêu tài chính và quan tâm tới mục tiêu tài chính thì rõ ràng con đường thứ hai là con đường buộc phải đi.
Hy vọng các bạn tìm thấy và đi vững trãi từng bước trên con đường đã vạch ra.
Bước 1: Dựa vào thu nhập hiện tại định ra một mức tiết kiệm hàng tháng. Dựa vào đó xác lập mục tiêu tài chính 10 năm.
Bước 2: Tiết kiệm
- Khi nhận được thu nhập hàng tháng. Lấy khoản trích đó ra để vào tài khoản tiết kiệm. Chú ý tránh sai lầm là chi tiêu xong còn bao nhiêu thì để tiết kiệm.
- Kiểm soát chi tiêu thật tốt. Cần thiết cài một phần mềm quản lý chi tiêu trên điện thoại, hoặc kiếm một cuốn sổ ghi chép. Ghi lại chi tiết chi tiêu của một tháng. Kết thúc tháng xem xét lại bảng chi tiêu đó xem có khoản nào nên cắt hoặc giảm không.
- Giai đoạn tích lũy ban đầu là giai đoạn khó nhất khi ta phải liên tục vượt qua các ngưỡng tích lũy của bản thân. Trong đầu mỗi người chúng ta có một định mức số tiền nắm giữ mà nếu vượt qua nó ta cảm thấy rất bứt rứt muốn đẩy nó đi. Khi số tiền > 100tr thì lúc đó nó đã ra tấm ra món, sự kỷ luật cũng đã được rèn luyện. Đó là lúc ta sẽ thấy thoải mái.
- Tới ngưỡng 200tr, phương án tốt nhất vẫn là nên gửi ngân hàng cho an toàn. Khi lớn hơn 200 triệu, bắt đầu chuyển một phần tiền sang nắm giữ tài sản khác. Cơ cấu tỷ lệ phụ thuộc vào mỗi người nhưng ít nhất 1/3 nên là tiền gửi ngân hàng. Ngoài chuyện dự phòng trường hợp khẩn cấp thì nó sẽ giúp bạn tận dụng cơ hội khi cơ hội tới.
- 2/3 số tiền còn lại nên đầu tư vào chứng khoán, trước mắt tập trung vào các công ty an toàn. Vì nó an toàn nên tỷ suất lợi nhuận thường chỉ quanh 10%. Tỷ suất LN lớn thường đi kèm với rủi ro lớn; khi năng lực mình chưa tới thì rủi ro rất dễ biến thành hậu quả nếu mình ham hố.
- Trên 1 tỷ thì thêm nhà đất vào mục tiêu cần nắm giữ. Nguyên tắc là bạn mua tài sản, không mua tiêu sản như đã nói ở trên. Những thứ nắm giữ phải tự nó sinh ra tiền, đừng mua những thứ bạn phải bỏ ra chi phí hàng ngày chỉ với ý nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ bán được giá cao hơn giá mua. Quyết định như thế nào phụ thuộc rất lớn vào năng lực sử dụng vốn của ta lúc đó.
- Vì tiền càng nhiều thì càng dễ kiếm tiền từ nó nên giai đoạn nhỏ hơn 1 tỷ khá khó khăn. Từ 1 tỷ trở nên ta sẽ thấy mọi thứ bắt đầu dễ dàng hơn; xe bắt đầu đã lăn bánh, lực đẩy sẽ ít hơn.
Bước 3: Tích tụ năng lực sử dụng vốn
Mục tiêu về năng lực sử dụng vốn không dễ mà lập ngay được lúc mới bắt đầu. Giai đoạn 2 năm đầu có thể chỉ đi lò mò vào các lĩnh vực như có phân tích ở trên. Vì tốc độ tích lũy tiền chậm hơn nhiều so với tốc độ tích tụ năng lực nên đừng vội vàng làm gì.
Học tốt nhất là từ thực tế. Việc nắm giữ tài sản cần phải thực hiện từ những số tiền nhỏ để nếu có mất thì cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới kế hoạch. Tránh có bao nhiêu đổ hết vào đầu tư trong khi năng lực mình chưa tới. Dễ dẫn tới thất bại trở lại điểm ban đầu.
Nhớ rằng đây là một quá trình lâu dài. Đặt mục tiêu, xác lập nguyên tắc tiết kiệm sau đó cứ thế tuân thủ mà quên cái mục tiêu đi. Một người chạy marathon họ không bao giờ nghĩ tới đích đến ngay từ KM đầu tiên vì khoảng cách quá xa sẽ làm họ nhụt chí. Họ chỉ nghĩ tới nó khi gần về tới đích.
Comments
Post a Comment