Đại dịch COVID-19 dưới góc nhìn kinh tế học

 ĐẠI DỊCH COVID-19 DƯỚI GÓC NHÌN KINH TẾ HỌC

23/3/2020
Trần Thị Minh Ngọc
Theo số liệu của Our World in Data tính đến ngày 23/3/2020, đại dịch Covid-19 đã lan ra 181 quốc gia với tổng số ca nhiễm là 675.917 và tổng số ca tử vong là 29.197. Tỷ lệ tử vong hiện là 4,32%. Hình 1 và 2 mô tả diễn biến của số ca nhiễm ở một số quốc gia trong hai tháng qua, từ 23/1 đến 23/3/2020. Các đường biểu diễn (trừ Trung Quốc và Hàn Quốc) có dạng những chiếc gậy khúc côn cầu (hockey sticks), chứng tỏ số ca nhiễm ở nhiều quốc gia đã tăng theo cấp số nhân từ khoảng đầu tháng 3/2020.

Với tốc độ gia tăng số ca nhiễm mỗi ngày là g và số ca nhiễm hiện tại là n, tổng số ca nhiễm sau ngày là n(1+g)t. Để số ca nhiễm có thể tăng gấp đôi trong vòng 2 ngày, nghĩa là (1+g)2 = 2, thì tốc độ gia tăng g xấp xỉ ở mức 41% mỗi ngày. Nếu tốc độ gia tăng càng nhanh thì độ dốc của các đường biểu diễn trong Hình 1 và 2 càng lớn, sẽ khiến cho tổng số ca nhiễm khi dịch đạt đỉnh càng kinh khủng.
Tốc độ gia tăng phụ thuộc vào hai yếu tố: (i) số người trung bình mà người bệnh tiếp xúc mỗi ngày, và (ii) xác suất một người tiếp xúc với người bệnh bị nhiễm bệnh. Vì vậy, để giảm độ dốc của các đường biểu diễn nói trên, chúng ta phải giảm tốc độ gia tăng số ca nhiễm bằng cách tác động vào hai yếu tố trên. Thứ nhất, thực hiện giãn cách tiếp xúc xã hội, tự cách ly, xét nghiệm đại trà và cách ly người bệnh kịp thời để giảm mức độ tiếp xúc. Thứ hai, thường xuyên rửa tay, hạn chế sờ tay lên mặt, giữ gìn vệ sinh, và tăng cường sức khỏe để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
Trần Thị Minh Ngọc
Việc tự giác thực hiện giãn cách tiếp xúc xã hội và tự cách ly tương tự như việc cá nhân đóng góp cho một hàng hóa công mang lại lợi ích cho xã hội trong lúc đối phó với dịch bệnh, nhưng lại gây thiệt hại cho cá nhân. Cụ thể là cá nhân góp phần ngăn dịch bệnh lây lan, cải thiện sức khỏe cộng đồng. Lợi ích này bản thân cá nhân đó được hưởng, nhưng không làm giảm phần của người khác hay loại trừ người khác cùng thụ hưởng. Tuy nhiên, cá nhân đó sẽ mất thu nhập và mất tự do. Theo lý thuyết kinh tế học dòng chính, chống dịch bằng cách kêu gọi dân chúng tự giác thực hiện giãn cách tiếp xúc xã hội và tự cách ly sẽ không hiệu quả, vì cá nhân sẽ lựa chọn dựa trên sự cân nhắc giữa lợi ích và chi phí của bản thân.
Nhằm thực thi biện pháp giãn cách xã hội, các chính phủ đang can thiệp bằng các chính sách cấm tụ tập đông người, hủy các sự kiện công cộng, đóng cửa trường học, quán ăn và các cơ sở vui chơi giải trí, chuyển đổi việc tiếp xúc trực tiếp sang chế độ trực tuyến, và hạn chế đi lại trong quốc nội lẫn quốc tế. Để khuyến khích người dân tự cách ly, chính phủ có thể nhắm đến việc khơi gợi ý thức cộng đồng và trách nhiệm dân sự. Nền tảng cho sự can thiệp đặc trưng như vậy là sự ưa thích xã hội (social preferences), một trong những sự ưa thích được nghiên cứu trong kinh tế học hành vi có liên quan đến sự tương thân tương ái, lòng vị tha, ghét bất công, và tính lương thiện. 
Tài liệu tham khảo: 
Sethi, R. (2020). The Economics of Pandemics [Lecture notes]. https://www.core-econ.org/project/core-covid-19-collection/
Nguồn: Tác giả gửi PTKT ngày 24.3.2020

Comments

Popular Posts