10 nhận xét về người Việt Nam

Nhiều người đã nghe, đã đọc những nhận xét dưới đây về điểm yếu của người Việt nói chung, người Việt trẻ nói riêng.

Đối với sinh viên trường ta, làm gì để khắc phục được những điểm yếu này để học tập và rèn luyện được tốt hơn?

10 nhận xét về người Việt Nam

1. Cần cù lao động nhưng dễ thỏa mãn, tâm lý hưởng thụ còn nhiều
2. Thông minh, sáng tạo nhưng đối phó, thiếu đi tầm nhìn về sau
3. Khéo léo nhưng không duy trì đến cùng
4. Vừa thực tế vừa mơ mộng nhưng không có ý thức nâng cao thành lý luận
5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh nhưng không đến đầu đến đũa, kiến thức không hệ thống, mất cơ bản.Học tập không phải là mục tiêu tự thân của người Việt Nam.
6. Xởi lởi chiều khách nhưng không bền.
7. Tiết kiệm nhưng đôi lúc hoang phí vì những muc tiêu vô bổ
8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái nhưng hầu như trong những hoàn cảnh khó khăn, còn trong điều kiện tốt hơn thì tinh thần này ít đi.
9. Yêu hòa bình,nhẫn nhịn nhưng hiếu thắng, hiếu chiến, hay thù vặt
10. Thích tụ tập nhưng thiếu sự liên kết, cùng 1 sự việc, 1 người làm thì tốt, 3 người làm thì kém, 7 người làm nát luôn

Những mặt yếu của tuổi trẻ Việt Nam

Tuổi trẻ VN có rất nhiều mặt mạnh, nhưng cũng có không ít điểm yếu: muốn được nhiều tiền một cách quá mức, thích tiêu tiền phóng khoáng, hay sĩ diện, giờ giấc lỏng lẻo… Chúng ta cần thấy rõ tất cả những điều dở đó để tự rèn luyện và giúp nhau điều chỉnh nâng cao phẩm chất.

Ham muốn nồng nhiệt sớm làm được nhiều tiền

Việc muốn làm giàu là một nguyện vọng chính đáng của tuổi trẻ nói riêng và con người nói chung. Song ham muốn quá mức, luôn luôn suốt ruột, sẵn sàng chấp nhận mọi sự rủ rê, mọi giải pháp bất chấp cả pháp luật và đạo lý là một tính cách nguy hiểm, là một cơn sốt cần được hạ nhiệt.

Thích tiêu tiền một cách phóng khoáng

Đặc biệt đối với những thanh niên đã ra công tác, làm ăn sinh sống, nhất là với những người có thu nhập cao, họ thường có phong cách sống phóng túng thích tiêu xài thoải mái. Họ tiêu tiền rất nhanh, tiêu tiền quá mức cho phép, tiêu tiền quá khả năng thu nhập của mình. Những cái không đáng tiêu họ vẫn tiêu, những bữa nhậu không đáng có họ vẫn thực hiện.

Sĩ diện, hình thức chủ nghĩa

Hay xấu hổ, không muốn mọi người biết mình học kém, biết mình nghèo, biết gia đình mình ở nông thôn. Trong các mối quan hệ, trong giao tiếp hay giấu dốt, những điều mình không biết không tự nhận là không biết mà hay nói quanh co hoặc nói chệch, đánh trống lảng. Thích phô trương, khoe khoang, thậm chí cả khoe khoang những điều mình không hoặc chưa có. Không ít sinh viên tốt nghiệp chưa kiếm được việc đã vội vàng xin đăng ký học để lấy bằng thứ hai mà không biết để làm gì. Chưa có nhu cầu, đã mua ngay máy tính, máy ảnh…

Thiếu bản lĩnh

Không đi sâu vào một lĩnh vực nào đầy đủ, do đó bước vào cuộc sống thường thiếu tự tin khi gặp bất kỳ một vấn đề gì không dám đặt ra hoặc phản biện bất kỳ một vấn đề gì, không dám tham gia đấu tranh phê bình, không dám chủ động đề xuất. Khi gặp khó khăn thì đùn đẩy cho nhau, sợ trách nhiệm, sợ nhận những nhiệm vụ nặng nề.

Xa rời thực tế

Ước mơ, hoài bão là một tính cách tốt của thanh niên nhưng đã có không ít người có những suy nghĩ viển vông, xa rời cuộc sống, xa rời những điều kiện hiện có. Ngồi ở cơ quan, ngồi trong nhà mình mà cứ như ngồi trên mây. Nhiều ý kiến, nhiều vấn đề đặt ra không được đa số đồng tình.

Giờ giấc lỏng lẻo

Ý thức về thời gian không nghiêm túc, không coi trọng tiết kiệm thời gian, không coi trọng những quy định về thời gian. Trong nhiều những cuộc họp, những buổi sinh hoạt, có không ít thanh niên đi chậm, thậm chí chậm hàng tiếng đồng hồ. Mặt khác cũng có những thanh niên lại đi sớm rất nhiều giờ để chơi bời, tán gẫu vô tích sự.

Chúng ta cần thấy rõ tất cả những điều dở đó để tự rèn luyện và giúp nhau điều chỉnh nâng cao phẩm chất. Nhà trường và các tổ chức xã hội cũng phải có tránh nhiệm đầy đủ trong việc giúp lớp trẻ tu dưỡng, nâng mình lên.

Theo Tạp chí Trí tuệ

(Nguồn: Tuoi Tre Online)

Comments

Popular Posts