Bài nói chuyện của Steven Jobs tại Đại học Stanford

Một bài viết của tác giả Ngũ Phương, đọc thấy hay nên mình picked up vào Blog. source: http://dcvonline.net/modules.php?name=News&file=article&sid=8760


Sau khi Steven Jobs qua đời, nhiều trang mạng đã cho đăng bản dịch tiếng Việt bài diễn văn tại Đại học Stanford của ông. Tiếc thay, một số bản dịch đã dịch sai, dịch thiếu, đặt câu sai văn phạm và dùng chữ Hán Việt không cần thiết. Cách dịch cẩu thả này khiến cho bài văn giản dị nhưng đầy ý nghĩa của một danh nhân thế giới thành ra khó hiểu và ngô nghê.

Dưới đây là một bản dịch khác. Người dịch tuy đã cố gắng nhưng vẫn không thể tránh được nhiều chữ chưa hoàn toàn đúng với nguyên tác. Kính mong bạn đọc góp ý thêm cho. Xin chân thành cám ơn.

Vài nét về Steven Jobs

Steve Jobs, đồng sáng lập viên và cựu Giám đốc Điều hành công ty điện tử Apple Inc., vừa qua đời ngày 05/10/2011 tại California, hưởng dương 56 tuổi.

Từ một sinh viên 26 tuổi học hành dở dang, Steve Jobs khởi đầu sự nghiệp với hai bàn tay trắng và chỉ trong vòng 7 năm trời đã đưa Apple trở thành một tên tuổi hàng đầu. Có thể nói ông đã mở ra một cuộc cách mạng điện tử, và di sản ông để lại là những sản phẩm nổi tiếng toàn thế giới, từ máy điện toán “Apple”, máy điện toán cá nhân “Macintosh”, đến “iPod” (máy nghe nhạc cá nhân), “iPhone” (điện thoại thông minh), “iPad” (máy điện toán cá nhân), v.v... Tạp chí Forbes ước tính tài sản của ông trị giá khoảng 5,1 tỷ dollars, đứng hạng thứ 43 trong số những người giàu nhất Hoa Kỳ.

Năm 2005, Steve Jobs được trường Đại học Stanford trao bằng Tiến sĩ Danh dự. Bài nói chuyện của ông trong buổi lễ tốt nghiệp ngày 12/6/2005 đã được Stanford giữ làm tài liệu tham khảo cho sinh viên. Đây là lần xuất hiện hiếm hoi của ông trước công chúng kể từ khi mắc bệnh ung thư tụy tạng (mà lúc đó ông tưởng rằng có thể được chữa khỏi), và đây cũng là một dịp hiếm hoi người ta nghe những lời tâm sự về đời tư của ông.



Bài diễn văn của Steven Jobs tại Stanford University

Ngũ Phương lược dịch

Tôi rất hân hạnh được có mặt cùng các bạn trong lễ tốt nghiệp ngày hôm nay tại một trường đại học danh giá vào bậc nhất thế giới. Tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học. Thành thật mà nói, được (đứng trên bục) thế này là mức gần nhất của tôi với chuyện tốt nghiệp đại học. Hôm nay, tôi muốn kể cho các bạn nghe ba câu chuyện của đời tôi. Chỉ vậy thôi. Chẳng có gì to tát. Chỉ là ba câu chuyện.


Steve Jobs (1955-2011)
Nguồn ảnh: fazyslittlekitchen.blogspot.com



Câu chuyện thứ nhất là kết nối những dấu chấm.

Tôi bỏ học sau khi đã vào Reed College được 6 tháng, nhưng rồi tôi vẫn tiếp tục theo học ở đó khoảng 18 tháng nữa trước khi chính thức bỏ học luôn.Vậy tại sao tôi lại bỏ học?

Mọi việc đã bắt đầu từ trước khi tôi ra đời. Mẹ ruột của tôi là một sinh viên trẻ, độc thân, và bà quyết định cho tôi làm con nuôi. Bà một mực nghĩ rằng tôi chỉ được làm con nuôi người đã tốt nghiệp đại học. Vì thế, mọi sự được sắp đặt để tôi trở thành con nuôi của vợ chồng một luật sư. Thế nhưng vào giờ chót có sự thay đổi, vì khi tôi vừa cất tiếng khóc chào đời, vợ chồng ấy lại đổi ý và muốn nhận nuôi một bé gái.

Đó là lý do cha mẹ (nuôi) của tôi hiện giờ, có tên trong danh sách chờ đợi, đã nhận được một cú điện thoại vào lúc nửa đêm với câu hỏi, “Chúng tôi có một bé trai ngoài ý muốn, ông bà có muốn nhận nó làm con nuôi hay không?” Cha mẹ tôi trả lời, “Tất nhiên là muốn.” Nhưng sau đó mẹ ruột của tôi biết được bà mẹ tương lai chưa bao giờ tốt nghiệp đại học còn ông bố tương lai thì chưa hề tốt nghiệp trung học, thế là bà từ chối ký vào giấy giao nhận con nuôi. Chỉ mấy tháng sau bà mới đồng ý khi cha mẹ nuôi của tôi hứa rằng sẽ cho tôi vào đại học. Đời tôi bắt đầu từ đó.


Reed College
Nguồn: collegefinancialaidguide.com
17 năm sau, tôi cũng được vào đại học. Nhưng tôi đã quá ngây thơ khi chọn một trường đại học mắc gần ngang với Stanford, và tất cả số tiền để dành của cha mẹ tôi, những con người cả đời làm lụng, đã dùng hết để đóng học phí cho tôi. Sau sáu tháng, tôi chẳng thấy giá trị của chuyện học đại học. Tôi chẳng biết tôi muốn làm gì với cuộc đời của mình và cũng chẳng thấy trường đại học sẽ giúp tôi biết được. Vậy mà tôi đã tiêu béng hết tất cả số tiền dành dụm suốt đời của cha mẹ. Vì vậy tôi quyết định bỏ học và tin tưởng rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn thôi. Ngay lúc đó, tình hình trông có vẻ đáng sợ lắm, nhưng khi nghĩ lại, tôi mới thấy đó là một trong những quyết định đúng nhất của mình. Từ lúc bỏ học, tôi có thể bỏ luôn những môn học bắt buộc mà tôi không thích, thay vào đó, tôi bắt đầu ghi tên vào những môn học khác có vẻ thú vị hơn.

Mọi chuyện không diễn ra một cách lãng mạn lắm đâu. Tôi không có phòng trọ, vì thế tôi phải ngủ nhờ trên sàn phòng trọ của các bạn tôi. Tôi kiếm tiền mua đồ ăn bằng cách mang trả lại những chai Coca-Cola để nhận 5 xu mỗi chai, và hàng tuần cứ tối Chủ nhật là tôi phải đi bộ 7 dặm qua phía bên kia thành phố để có được một bữa ăn ngon ở ngôi đền Hare Krishna. Tôi rất thích bữa ăn đó. Những gì mà tôi đã va vấp phải để theo đuổi sự tò mò và trực giác của mình về sau trở thành những điều vô giá. Để tôi cho các bạn một thí dụ.

Vào lúc bấy giờ có lẽ Reed College là nơi có lớp dạy nghệ thuật thư pháp giỏi nhất nước. Khắp trong khu học xá, tất cả các bích chương và nhãn dán trên mỗi hộc kéo đều được viết tay rất đẹp. Vì tôi đã bỏ học và không phải vào những lớp thông thường nên tôi quyết định ghi danh lớp thư pháp để học cách viết chữ đẹp như thế. Tôi học về các loại chữ serif và san serif, về khoảng cách giữa các chữ trong các kiểu chữ khác nhau, về cách làm sao cho một bản chữ trông đẹp mắt. Tôi ngỡ ngàng khi thấy đây là một môn học đầy tính nghệ thuật, lịch sử và đẹp một cách tinh tế mà các bộ môn khoa học không thể có được.

Những thứ này khi đó dường như chẳng có chút ứng dụng thực tế nào cho cuộc đời tôi. Thế nhưng 10 năm sau, khi chúng tôi thiết kế chiếc máy điện toán Macintosh đầu tiên, bỗng dưng các kiến thức về thư pháp trở lại với tôi, và chúng tôi đã đưa những điều ấy vào Mac. Đó là máy điện toán đầu tiên có những mẫu chữ thật đẹp. Nếu tôi không theo cái lớp học đó ở trường thì Mac sẽ chẳng bao giờ có được nhiều mẫu chữ với khoảng cách cân đối. Và cũng bởi vì Windows bắt chước Mac nên (nếu Mac không có) cũng chẳng có máy điện toán nào có những kiểu chữ đẹp. Nếu tôi không bỏ học thì tôi đã không thể theo học lớp thư pháp, và máy điện toán cá nhân đâu có được những kiểu chữ đẹp như vậy. Tất nhiên lúc đang còn ở trường đại học thì tôi không thể nhìn trước về phía tương lai để kết nối những dấu chấm (connect the dots). Nhưng 10 năm sau, nhìn lại, thì mọi việc trở nên rất, rất rõ ràng.

Tôi xin nhắc lại, các bạn không thể nhìn trước về tương lai để kết nối những dấu chấm được đâu, các bạn chỉ có thể làm điều đó khi nhìn lại quá khứ mà thôi. Vì thế, các bạn phải tin tưởng rằng những dấu chấm rồi sẽ nối kết với nhau trong tương lai. Các bạn phải đặt niềm tin vào một điều gì đó - như trực giác, định mệnh, cuộc sống, nghiệp quả, hoặc điều gì đó. Quan niệm ấy chưa bao giờ làm tôi thất vọng, và nó đã làm nên mọi sự thay đổi trong đời tôi.

Câu chuyện thứ hai là về tình yêu và sự mất mát.


Steve Jobs và Steve Wozniak làm việc trong garage
Nguồn: techiteasy.org
Tôi thật may mắn vì ngay khi còn rất trẻ tôi đã biết mình thích làm gì. Woz [Steve Wozniak] và tôi đã bắt tay vào việc chế tạo máy Apple trong nhà để xe của cha mẹ tôi lúc tôi 20 tuổi. Chúng tôi đã miệt mài làm việc, và sau 10 năm, từ vỏn vẹn 2 người trong cái gara bé nhỏ, Apple đã phát triển thành một công ty trị giá 2 tỷ Mỹ kim với hơn 4000 nhân viên. Chúng tôi tung ra thị trường sang tác tuyệt nhất của mình - máy điện toán Macintosh - sớm trước một năm, lúc tôi mới bước sang tuổi 30. Thế rồi sau đó, tôi bị sa thải. Làm sao mà bạn lại có thể bị sa thải bởi một công ty mà bạn đã sáng lập ra nó nhỉ?

Đại khái là, khi Apple bắt đầu phát triển, chúng tôi đã thuê một người mà tôi cho rằng rất giỏi để cùng tôi điều hành công ty, và trong khoảng một năm gì đó, mọi việc đều tốt. Nhưng rồi cái nhìn về tương lai của hai người chúng tôi bắt đầu khác nhau, và cuối cùng đưa tới bất hòa. Khi mối bất hòa xảy ra, Hội đồng Quản trị đứng về phía anh ta, thế là tôi, ở tuổi 30, đã bị cho ra rìa, trước mặt bàn dân thiên hạ. Mục tiêu mà tôi theo đuổi suốt giai đoạn thành niên bỗng dưng biến mất, và tình trạng thật là bi đát.
Suốt mấy tháng trời tôi thật sự chẳng biết phải làm gì. Tôi cảm thấy mình đã phụ lòng thế hệ doanh nhân đi trước - vì đã đánh rơi mất cây gậy chỉ huy mà họ chuyền đến tay tôi. Tôi gặp David Packard và Bob Noyce để cố gắng xin lỗi về những việc tệ hại đã làm ra. Tôi trở thành một biểu tượng thất bại trước công chúng, thậm chí tôi đã có ý định cuốn gói bỏ đi khỏi thung lũng [Silicon Valley]. Nhưng rồi dần dần có một điều gì đó bắt đầu lóe lên trong tôi - tôi vẫn yêu thích những việc mình đã làm. Những biến cố ở Apple không hề làm thay đổi sự yêu thích đó chút nào cả. Tôi như một kẻ bị tình phụ, nhưng tình yêu trong tôi vẫn tràn đầy. Vì thế, tôi quyết định bắt đầu làm lại.

Ngay lúc đó tôi không nhận ra, nhưng sau này tôi mới thấy rằng chuyện bị Apple sa thải hóa ra lại là điều tốt đẹp nhất trong đời tôi. Gánh nặng của sự thành công được thay thế bằng tinh thần nhẹ nhàng của kẻ mới bắt đầu lại và không chắc về những gì sẽ xảy ra. Nó giải thoát tôi để tôi bước vào một trong những thời kỳ sáng tạo nhất của đời mình.


Steve Jobs và Laurene Powel Jobs
Nguồn ảnh: © Getty Images
Trong 5 năm tiếp theo, tôi khởi sự một công ty mang tên NeXT, một công ty khác mang tên Pixar, và tôi bắt đầu yêu một phụ nữ tuyệt vời, chính là vợ tôi bây giờ. Pixar hoạt động tốt và cho ra đời cuốn phim truyện hoạt họa bằng computer đầu tiên trên thế giới, “Toy Story”, và nay Pixar trở thành xưởng phim hoạt họa thành công nhất thế giới. Thế rồi một sự kiện đáng ghi nhớ đã xảy ra, Apple mua NeXT, tôi trở lại Apple, và những kỹ thuật mà chúng tôi phát triển ở NeXT trở thành điểm cốt lõi cho thời kỳ phục hưng của Apple. Laurene và tôi cũng có được một gia đình thật hạnh phúc.

Tôi tin chắc rằng tất cả những điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra nếu tôi không bị Apple sa thải. Đó là một viên thuốc rất đắng, nhưng tôi cho rằng người bệnh cần đến nó. Đôi khi cuộc đời sẽ giáng một viên gạch vào đầu bạn. Đừng mất niềm tin.Tôi tin rằng điều duy nhất giúp tôi tiếp tục tiến bước chính là vì tôi yêu thích những gì tôi đã làm. Bạn phải tìm cho ra cái mà bạn yêu thích. Điều đó đúng cho công việc và đúng luôn cho cả những người yêu của bạn.

Công việc sẽ chiếm phần lớn cuộc sống của bạn, và cách duy nhất để thực sự thỏa mãn là làm những công việc mà bạn tin nó sẽ trở nên tuyệt vời. Và cách duy nhất có công việc tuyệt vời là yêu những gì bạn làm. Nếu như các bạn chưa tìm thấy, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng chấp nhận những cái tạm bợ. Cũng giống như chuyện của con tim, bạn sẽ nhận ra nó khi bạn tìm thấy nó. Và cũng giống như mối quan hệ tình cảm đích thực, nó sẽ ngày càng nồng thắm hơn qua tháng năm. Vì vậy hãy tiếp tục tìm kiếm cho đến khi bạn tìm thấy. Đừng chấp nhận những cái tạm bợ.

Câu chuyện thứ ba là về cái chết.

Lúc 17 tuổi, tôi đọc được một câu danh ngôn đại khái là, “Nếu bạn sống mỗi ngày như ngày cuối cùng của cuộc đời mình, thì một ngày nào đó bạn sẽ có cái cảm giác đoan chắc rằng mình đúng”. Câu nói ấy đã để lại trong tôi một ấn tượng rất sâu đậm. Và kể từ đó, suốt 33 năm qua, tôi vẫn nhìn vào gương mỗi buổi sáng và tự hỏi, “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời mình, liệu mình có muốn làm cái điều mình định làm hôm nay hay không?” Và nếu câu trả lời là “không” trong nhiều ngày liền liên tiếp thì tôi biết là tôi cần phải thay đổi một điều gì đó.

Nhớ rằng mình có thể sắp chết chính là dụng cụ quan trọng nhất giúp tôi có những lựa chọn lớn trong đời. Bởi vì gần như mọi điều - mọi kỳ vọng của người khác, mọi niềm tự hào, mọi nỗi sợ hãi vì xấu hổ hay thất bại - sẽ biến mất khi ta chết, và chỉ điều gì thực sự quan trọng mới còn lại mà thôi. Nghĩ rằng mình sắp chết là cách tốt nhất giúp tôi tránh khỏi cái bẫy tư tưởng cho rằng mình sắp mất một thứ gì đó. Khi trơ trụi chẳng còn gì thì lẽ nào bạn lại không nghe theo tiếng gọi của trái tim.

Khoảng một năm trước, tôi biết mình bị ung thư. Tôi đi chụp cắt lớp [scan] lúc 7h30 sáng, và trên phim hiện rõ một khối u trong tụy tạng. Cho đến lúc ấy tôi còn chưa biết tụy tạng là cái gì. Các bác sĩ bảo tôi đây là một loại ung thư không thể chữa khỏi được, và tôi nên chuẩn bị tinh thần vì chỉ còn sống từ 3 đến 6 tháng nữa thôi. Bác sĩ khuyên tôi về nhà sắp xếp mọi việc, đó là cách nói của bác sĩ khi khuyên bệnh nhân chuẩn bị cho cái chết. Lời khuyên ấy có nghĩa là bạn phải dùng mấy tháng còn lại để nói với con bạn những điều mà bạn tưởng là sẽ có khoảng mười năm tới để nói với chúng. Lời khuyên ấy cũng có nghĩa là bạn hãy cố gắng gói ghém mọi thứ đâu ra đó để dễ dàng hơn cho gia đình. Và cũng có nghĩa là hãy nói lời vĩnh biệt.

Tôi phải sống với chẩn đoán đó cả ngày. Đến chiều tối, tôi làm sinh thiết, họ đút một ống đèn soi qua cổ họng tôi, xuyên ngang bao tử vào sâu xuống ruột, đâm một cái kim vào tụy tạng để lấy ra một số tế bào ung thư làm thử nghiệm. Tôi đang trong hôn mê, nhưng vợ tôi có mặt lúc đó, kể lại rằng khi các bác sĩ phân tích những tế bào dưới kính hiển vi, họ đã vui mừng đến ứa nước mắt vì thấy đây là một trường hợp ung thư tụy tạng hiếm hoi có thể chữa được bằng phẫu thuật. Tôi đã được giải phẫu và bây giờ tôi đã khỏe.

Đó là lần tôi đối mặt với cái chết sát sao nhất, và tôi hy vọng đó cũng là lần duy nhất trong vài chục năm tới. Trải qua chuyện đó rồi, bây giờ tôi có thể nói với các bạn điều này, một cách khá đoan chắc hơn là nhắc đến cái chết như một khái niệm hữu ích nhưng hoàn toàn thuộc trí óc:

Chẳng có ai muốn chết. Ngay cả những người muốn được lên thiên đàng cũng không muốn chết để được lên đó. Thế nhưng cái chết vẫn là nơi mà tất cả chúng ta đều phải đến. Chưa có ai từng thoát được nó. Và nó là thế vì nó là như thế, bởi vì dường như Cái Chết chính là sự sáng tạo tuyệt vời nhất của Cuộc Sống. Nó là tác nhân cho những thay đổi trong Cuộc Sống. Nó loại đi những cái cũ để mở đường cho những cái mới. Ngay lúc này đây, cái mới đang là các bạn, nhưng chẳng bao lâu nữa các bạn cũng sẽ dần cũ đi và sẽ bị loại bỏ. Tôi xin lỗi vì nói như vậy nghe bi thảm quá, nhưng đó là sự thật.

Thời gian của các bạn chỉ có hạn, vì thế các bạn đừng nên bỏ phí thời gian để sống cuộc đời của người khác. Đừng rớt vào cái bẫy của giáo điều - vì như vậy là sống bằng kết quả sự suy nghĩ của những người khác. Đừng để cho ý kiến ồn ào của người khác lấn át đi tiếng nói trong thâm tâm các bạn. Và điều quan trọng nhất là, hãy can đảm làm theo tiếng gọi của trái tim và trực giác. Vì trái tim và trực giác vốn đã biết rõ các bạn thực sự muốn trở thành cái gì. Mọi điều khác chỉ là thứ yếu.

Khi tôi còn trẻ, có một bộ sách rất hay đã được xuất bản với tựa đề The Whole Earth Catalog[Danh mục Thế giới], và trở thành một trong những cuốn kinh thánh của thế hệ chúng tôi. Người soạn cuốn sách này là một anh chàng tên Steward Brand, ở Menlo Park, cách đây không xa. Anh ta đã làm cho bộ danh mục trở nên sống động bằng lối trình bày đầy thi vị. Lúc đó là cuối thập niên 60, computer và việc xuất bản bằng máy tính chưa ra đời, vì vậy tất cả những trang sách đều được làm bằng máy đánh chữ, bằng kéo và máy ảnh polaroid. Nó giống như một thứ “Google” được in thành sách bìa mỏng, 35 năm trước khi có “Google”: một bộ sách tuyệt vời, tràn ngập những dụng cụ tinh xảo và những ý tưởng thật hay.


Steve Jobs, “Stay Hungry. Stay Foolish.”
Nguồn: Apple.com
Steward và các cộng sự viên đã xuất bản nhiều số “The Whole Earth Catalog” [1968-1972], và khi bộ sách đã đi hết chu trình của nó, họ ra tập cuối cùng. Lúc đó vào khoảng giữa thập niên 70, và tôi bằng tuổi các bạn bây giờ. Ở bìa sau tập danh mục cuối cùng [1974] là ảnh chụp một con đường miền quê trong ánh bình minh, loại đường quê mà các bạn có thể đi chơi bằng cách quá giang xe nếu các bạn ưa mạo hiểm. Bên dưới tấm ảnh là dòng chữ: “Stay Hungry. Stay Foolish”. Đó là lời từ biệt của họ khi kết thúc bộ catalog. Hãy cứ khát khao. Hãy cứ ngông cuồng. Tôi vẫn hằng cầu chúc điều đó cho chính mình. Và ngày hôm nay, các bạn tốt nghiệp để bắt đầu một hành trình mới, tôi cầu chúc điều đó cho các bạn.

Hãy cứ Khát khao. Hãy cứ Ngông cuồng.

Cám ơn các bạn rất nhiều.




Ghi chú: - Nguyên bản tiếng Anh bài nói chuyện của Steven Jobs tại Đại học Stanford“You've got to find what you love” Jobs says



Steve Jobs' 2005 Stanford Commencement Address
 (Diễn văn dài 15 phút © StanfordUniversity)


Dịch thuật

Dưới đây là một số câu dịch (sang tiếng Việt) sai trích từ “Steve Jobs kể về cuộc đời và cái chết trong diễn văn bất hủ” (vnexpress.net, 06/10/2011) và “3 câu chuyện trong bài diễn văn ‘kinh điển’ của Steve Jobs” (tintuc.vnn.vn, 06/10/2011)

Reed College at that time offered perhaps the best calligraphy instruction in the country: Trường Reed là trường duy nhất của cả nước giới thiệu nghệ thuật viết chữ đẹp.
I learned about serif and san serif typefaces: Tôi học cách biến hóa với nét bút.

So you have to trust that the dots will somehow connect in your future: Vậy hãy tin rằng các dấu chấm, các sự kiện trong cuộc đời bạn về mặt này hay mặt khác sẽ ảnh hưởng đến tương lai của bạn.

I was lucky — I found what I loved to do early in life: Tôi may mắn khi đã nhận ra những gì tôi yêu quý ngay từ khi còn trẻ / Tôi đã rất may mắn khi tôi đã muốn bắt đầu làm việc từ rất sớm.

We had just released our finest creation — the Macintosh — a year earlier: Một năm trước đây, chúng tôi vừa mới bỏ đi sáng tạo đầu tiên của mình, máy tính Macintosh.

But then our visions of the future began to diverge and eventually we had a falling out: Nhưng sau đó, quan điểm của chúng tôi về tương lai bắt đầu khác nhau, thậm chí chúng tôi còn trở nên bất hòa.

What had been the focus of my entire adult life was gone, and it was devastating.: Những gì tôi theo đuổi cả đời đã biến mất, nó đã bị phá hủy.

The heaviness of being successful was replaced by the lightness of being a beginner again, less sure about everything: Gánh nặng của sự thành công đã được thay thế bằng ánh sángcủa sự bắt đầu mới tuy không có điều gì chắc chắn.

It freed me to enter one of the most creative periods of my life: Tôi đã để cho mình tự do bước vào một quãng đời đầy những sáng tạo của cuộc đời mình.

If today were the last day of my life, would I want to do what I am about to do today?: Nếu ngày hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời tôi, tôi sẽ muốn làm gì và tôi chuẩn bị làm gì hôm nay?
I lived with that diagnosis all day. Later that evening I had a biopsy: Tất cả mọi ngày tôi đều sống với sự chẩn đoán đó. Sau đó, vào một buổi tối, tôi tiến hành kiểm tra sinh thiết.

I was sedated: Tôi giữ thái độ bình thản / Khi đó, tôi rất bình thản.

It means to make sure everything is buttoned up so that it will be as easy as possible for your family: Điều đó cũng có nghĩa là hãy cố gắng kín đáo để gia đình bạn có thể chấp nhận điều này một cách dễ dàng hơn.

Sorry to be so dramatic, but it is quite true: Tôi xin lỗi vì có vẻ như tôi hơi xúc động nhưng điều đó là sự thật.

This was the closest I've been to facing death, and I hope it's the closest I get for a few more decades: Đó là cảm giác mà tôi đã có khi phải đối mặt với cái chết và tôi cũng hy vọngtôi sẽ còn cái cảm giác đó một vài thập kỹ nữa.

It was sort of like Google in paperback form, 35 years before Google came along: it wasidealistic: Nó giống như trang Google trên giấy vậy, 35 năm trước khi có trang Google. Nó thực sự mang tính duy tâm.

On the back cover of their final issue was a photograph of an early morning country road, the kind you might find yourself hitchhiking on if you were so adventurous: Ở trang bìa sau của cuốn sách có in ảnh một con đường vùng nông thôn trong ánh bình minh, điều mà bạn có thể tìm thấy sự an bình nếu bạn là người ưa mạo hiểm

Còn đây là một số chữ Hán Việt làm cho câu văn them nặng nề trong khi nguyên bản tiếng Anh là những chữ rất giản dị: tiết kiệm (để dành - saving), tham gia (theo học - drop in), đánh giá (cho rằng - thought), động viên (giúp - help), hiệu quả (giá trị - value), đăng ký (ghi tên - drop in), trang bị (có - have), thành quả sáng tạo (sáng tác - creation), không thể hợp nhất (khác biệt - falling out), giải phóng (giải thoát - free), tiến hành (làm - have).



© DCVOnline

Comments

Popular Posts