Chiếc bóng lớn của Trung Quốc trên thị trường thương mại điện tử VN

Financial Times đã bình luận đầy ngụ ý rằng cuộc cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam là một “cuộc chiến ngầm của các doanh nghiệp Trung Quốc.”

Jack Ma - Ng Xuan Phuc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) tiếp Chủ tịch Alibaba – Jack Ma (trái) tại Hà Nội. (Ảnh: VGP)

Ba “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc đằng sau ba sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam

Không khó để điểm mặt những cái tên dẫn đầu trên thị trường TMĐT Việt Nam tại thời điểm hiện tại: mô hình B2C (Doanh nghiệp – Người tiêu dùng) có Lazada, Tiki, Adayroi, Thegioididong; C2C (Người tiêu dùng – Người tiêu dùng) có Shopee, Sendo.
Trong đó, Lazada có 51% cổ phần của tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma và đến tháng 6/2017, Alibaba đã đầu tư thêm 1 tỷ USD để sở hữu 83% cổ phần công ty này.
Đầu tháng 1/2018, JD.com – tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc, đối thủ của Alibaba, đã đầu tư một khoản trị giá 44 triệu USD vào Tiki.vn, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty bán lẻ trực tuyến Tiki.
Trong khi đó, Shopee là công ty con của SEA – công ty thương mại điện tử của Singapore. Ngoài Shopee, SEA còn sở hữu một vài công ty lớn khác của Việt Nam là Foody, VnPay và Giaohangtietkiem.
Điều đáng nói là SEA có cổ đông lớn nhất là tập đoàn Tencent (Trung Quốc) với 40% cổ phần.

Sơ đồ tóm tắt sự liên hệ giữa các tập đoàn công nghệ Trung Quốc với các website top TMĐT VN

Tập đoàn Tencent (sở hữu WeChat với hơn 1 tỷ người sử dụng), vừa qua đã được định giá 523 tỷ USD, lớn hơn cả Facebook, đồng thời vượt qua cả Alibaba để trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên cán mốc 500 tỷ USD giá trị thị trường.
Ngoài ra, Tencent còn nắm trong tay 15% cổ phần của JD.com. Không chỉ vậy, một trong hai công ty Việt Nam mà Tencent đầu tư với cổ phần không nhỏ là VNG cũng chính là một trong 3 cổ đông lớn nhất của Tiki. VNG đã mua 38% cổ phần Tiki với giá 384 tỉ đồng hồi năm 2016 và là một trong ba nhà đầu tư bỏ vốn 1.300 tỷ vào Tiki hồi tháng 12/2017.
VNG, một trong những công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam, là chủ sở hữu nhiều dịch vụ trực tuyến phổ biến như Zing (Mp3, Zing News), trang tin Báo mới, và đặc biệt là ứng dụng nhắn tin trực tuyến cho người Việt Nam Zalo – đạt hơn 80 triệu tài khoản.
Cùng với Goldman Sachs (Mỹ) và GIC (Singapore), Tencent là một trong 3 cổ đông nước ngoài lớn nhất của VNG.

Lượt truy cập (đơn vị: triệu lượt) tại một số website TMĐT Việt nam qua SimilarWeb, số liệu ngày 20/7/2018

Theo khảo sát về thị trường TMĐT Việt Nam 2017 của iPrice – cổng thương mại điện tử tại 7 thị trường Đông Nam Á, những doanh nghiệp có vốn hậu thuẫn lớn (trực tiếp, gián tiếp) từ các công ty Trung Quốc là Lazada, Tiki và Shopee đang dẫn đầu thị trường TMĐT Việt Nam trong nhiều khía cạnh như:
– Doanh nghiệp TMĐT được tìm kiếm nhiều nhất: Lazada đứng đầu, Shopee thứ 3 và Tiki thứ 4
– Top ứng dụng mua sắm phổ biến nhất trên iOS: Shopee đứng đầu, Lazada thứ 2, Tiki thứ 4
– Top ứng dụng mua sắm phổ biến nhất trên Android: Shopee đứng đầu, Lazada thứ 2
– Top trang Fanpage có lượt theo dõi nhiều nhất: Lazada đứng đầu (hơn 25 triệu like), Shopee thứ 2 (11.6 triệu like), Tiki thứ 4 (2.2 triệu like).
Số liệu nội bộ của Lazada Việt Nam còn công bố công ty chiếm 1/3 thị phần TMĐT Việt Nam, website có 30 lượt triệu lượt truy cập mỗi tháng và cứ mỗi 2s có 1 đơn đặt hàng thành công.
Như vậy có thể thấy, các “ông lớn” Trung Quốc đang phủ một cái bóng không nhỏ tới cục diện thị trường TMĐT Việt Nam.

Chịu những khoản lỗ khổng lồ để thống trị thị trường


Jack Ma (Ảnh: Techcrunch)

Không khó hiểu khi các doanh nghiệp Trung Quốc lại quan tâm đặc biệt tới thị trường TMĐT Việt Nam, thậm chí tỷ phú Jack Ma đã từng ví nó như “một mỏ vàng”.
Một số yếu tố khiến thị trường TMĐT Việt Nam trở nên vô cùng hấp dẫn như:
  • Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 đạt trên 2,1 tỷ USD và có thể đạt 3,4 tỷ USD vào 2020, theo Statista.
  • Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và dự đoán sẽ được duy trì ở mức cao như vậy trong giai đoạn 2018 – 2020.
  • Việt Nam có dân số trẻ, tỷ lệ kết nối Internet cao (trên 53% dân số), có gần 50 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh.
Hơn thế, việc chiếm lĩnh thị trường và đầu tư mạnh cho Việt Nam nói riêng và thị trường Đông Nam Á nói chung cũng bộc lộ rõ tham vọng của Trung Quốc biến Đông Nam Á thành bước đệm để bành trướng ra thế giới.
Trên thực tế, TMĐT ở Việt Nam đang là một cuộc chiến tiêu tiền với những khoản đầu tư khổng lồ, cũng như sẵn sàng chịu những khoản lỗ cũng khổng lồ trong thời gian dài để tạo thói quen tiêu dùng và chiếm lĩnh thị trường.
  • Lazada lỗ liên tiếp gần 1.000 tỷ đồng trong 2 năm 2015 – 2016 và dự đoán mức lỗ năm 2017 cũng không kém hơn con số này. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 có thể lên gần 4.000 tỷ đồng.
  • Shopee mới chỉ gia nhập thị trường từ tháng 8/2016, nhưng đã chứng tỏ là một đối thủ chịu chơi khi chịu lỗ hơn 600 tỷ đồng năm 2017, lỗ luỹ kế gần 800 tỷ đồng.
  • Tiki lỗ gần 300 tỷ đồng năm 2017, lỗ luỹ kế gần 600 tỷ đồng.
Theo chuyên gia, với chiến lược “nướng tiền” như vậy để thống trị thị trường, các doanh nghiệp nội địa có ít cơ hội để cạnh tranh trên thị trường TMĐT Việt Nam.

Nguy cơ tiềm ẩn

Ngoài việc người tiêu dùng Việt Nam đang được hưởng lợi trong giai đoạn này, như được mua hàng giá rẻ, có nhiều khuyến mại, thì không ít người cũng nhận thấy nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai khi thị trường TMĐT Việt Nam là “sân sau” của Trung Quốc.
Có thể thấy, hàng hoá Trung Quốc sẽ rộng cửa hơn để thâm nhập thị trường Việt Nam, đẩy hàng Việt Nam đứng trước nguy cơ giảm sức cạnh tranh rất lớn. Thị trường bán lẻ trực tiếp cũng theo đó giảm sút.
Điều này đã dần được hiện thực hoá khi đầu tháng 7/2018 mới đây, Tiki ra mắt dịch vụ Tiki Global – Đặt hàng quốc tế, theo đó khách hàng có thể mua hàng từ nước ngoài rất dễ dàng trên Tiki, mà đối tác đầu tiên là Gian hàng JD của Trung Quốc, tức các sản phẩm sẽ được Gian hàng JD phân phối chuyển về Việt Nam.

Ảnh chụp màn hình 1 sản phẩm được rao bán từ nước ngoài của dịch vụ Tiki Global.
Sản phẩm “Chuột máy tính HP” được cung cấp bởi Gian hàng JD, thương hiệu Joy Collection.
Phần ghi chú có đoạn: Hàng giao từ nước ngoài được bán từ các nhà bán ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tiki chỉ là đơn vị trung gian đảm bảo thanh toán và nhập hộ hàng hoá, không có chức năng bảo hành, hướng dẫn sử dụng và không xuất hoá đơn VAT cho các đơn hàng này.

Được biết, Lazada hay Shopee cũng đã và đang chuẩn bị cung cấp dịch vụ này.
Ngoài việc hàng Trung Quốc xâm chiếm thị trường, các hình thức thanh toán trực tuyến “Made in China” cũng sẽ thuận tiện hơn khi đưa vào sử dụng tại thị trường Việt Nam.
Dữ liệu người tiêu dùng Việt Nam, theo nhiều cách thu thập, cũng sẽ dễ dàng có được trong tay của người Trung Quốc. Con số này cho đến nay có thể thấy đã rất lớn.
Liệu có một ngày tương lai của TMĐT Việt Nam sẽ không còn nằm trong tay các doanh nghiệp Việt?
Lê Xuân
source: https://trithucvn.net/kinh-te/chiec-bong-lon-cua-trung-quoc-tren-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-vn.html

Comments

Popular Posts